VỤ TRẦM BÊ: NHỮNG NGƯỜI BỊ BẮT THEO ÔNG TA NÊN LÀM GÌ?

Tháng 8/2017 có nhiều tin sốc. Quý ông họ Trịnh về nước chịu giam, chủ nhà băng Trầm Bê chính thức bị bắt… Với chủ nhà băng Trầm Bê, bị bắt theo ông ta là 25 người. Đọc tin trên cafe f,  chúng tôi đếm được có 6 người làm công ăn lương. Số phận của họ không khác số phận của những người trong vụ Hà Văn Thắm, những người mà chính Hà Văn Thắm nói là những người lao động tốt nhất không đáng đứng trước vành móng ngựa.

Văn phòng chúng tôi đang tham gia bào chữa trong vụ OCEAN Bank. Chúng tôi từng trợ giúp cho một số khách hàng là nhân viên ngân hàng. Chúng tôi cũng đã tư vấn cho một số tổ chức tín dụng. Chúng tôi hiểu những gì mà ông chủ nhà băng cũ Hà Văn Thắm nói.

Bị bắt cùng các ông chủ nhà băng có nhiều nhân viên của họ. Những người này có thể là nhân viên tín dụng, kế toán viên, thư ký Hội đồng Quản trị, trưởng phó các phòng khối nghiệp vụ, luật sư phụ trách pháp chế, giám đốc… Ngay cả khi họ giữ chức vụ và nhận một mức lương đáng mơ ước trong ngân hàng, họ cũng chỉ là người làm công. Đừng nghĩ cứ làm ngân hàng là giàu. Những người mà chúng tôi đã gặp, có người là giám đốc chi nhánh, mỗi năm cho vay ra cả ngàn tỷ, lương thưởng hàng chục triệu đồng, nhưng phần lớn trở nên khánh kiệt sau lần vướng lao lý.

Với người làm công ăn lương trong ngân hàng, khi vụ án xảy ra, nhiều người trong số họ có thể chứng minh mình không làm gì sai trái. Mọi quy trình đều được tuân thủ. Mọi tác nghiệp đều được giám quản. Nên nhớ để món vay được phê duyệt, có nhiều người, khối nghiệp vụ tham gia thẩm định. Một số khoản vay lớn có Hội đồng Tín dụng xem xét. Việc xem xét cũng không thể thiếu vai trò của luật sư ngân hàng hay Ban Kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Mặt khác, các rủi ro trong hoạt động ngân hàng không chỉ đến từ nội bộ ngân hàng. Nó còn đến từ chính khách hàng. Theo link này http://cafef.vn/25-bi-can-bi-khoi-to-trong-vu-an-tram-be-la-nhung-ai-20170811142214394.chn thì chúng tôi thấy: Nhiều khả năng có một người đã lập hồ sơ tín dụng khống, thành lập công ty ảo, huy động nhân viên, bảo vệ … công ty làm giám đốc ký vào hồ sơ tín dụng và rút tiền ra đưa người này. Nếu đúng là như vậy ( hành vi này thấy trong nhiều đại án ngân hàng, kể cả vụ OCEAN Bank ), thì cán bộ ngân hàng không thể phát hiện ra hành vi của kẻ lừa đảo. Họ không thể hỏi sao giám đốc giống xe ôm thế một khi hồ sơ công ty thể hiện kẻ thực chất chạy xe ôm lại là giám đốc.

Rồi nữa, bên công an và Viện Kiểm sát luôn có nhiệm vụ, nhiệm vụ số 1, đó là buộc tội người ta. Chúng tôi chưa từng thất hay nghe nói cán bộ điều tra hay kiểm sát viên nào được khen thưởng vì đã minh oan cho người ta. Hiện tại, tham nhũng là quốc nạn. Đấu tranh chống tham nhũng là biểu hiện cuộc đấu tranh chính trị khốc liệt. Công an và kiểm sát cần đưa được nhiều vụ án tham nhũng ra ánh sáng. Công an và kiểm sát được đào tạo bài bản về pháp luật, nhưng thiếu kiến thức về kinh tế hay quản trị ngân hàng. Cứ vụ mất tiền nào của ngân hàng cũng được giả định là phạm pháp. Do đó cần ai đó phải chịu trách nhiệm. Thực tế có cô nhân viên tín dụng, vào làm ngân hàng 20 ngày, trót ký vào một hồ sơ tín dụng. Sau vài năm, khi cô ấy đã chuyển làm mấy ngân hàng thì người ta gọi cô ấy lên tống đạt quyết định khởi tố bị can vì khoản vay kia không thu hồi được và cô là một trong số những người thẩm định.

Vậy giải pháp nào cho người làm công ăn lương trong trường hợp này? các cán bộ ngân hàng cùng bị bắt theo ông chủ Trầm Bê nên làm gì? Theo chúng tôi, họ nên:

-         Giải thích với điều tra viên rằng mình làm hoàn toàn đúng quy trình. Nên dùng những thứ như quy chế cho vay của ngân hàng, quy chế hoạt động của bộ phận tín dụng, sổ tay nghiệp vụ .v.v… để chứng minh điều này. Đừng dùng những thuật ngữ chuyên môn ngành ngân hàng, như margin, core banking, thư bảo lãnh … mà không có giải thích. Hãy giải thích để một người không biết gì về ngân hàng có thể hiểu.
-         Giải thích rằng mình chỉ là một khâu trong quy trình. Có nhiều người khác cùng tham gia quá trình và mình chỉ giữ vai trò đề xuất, duyệt là một người, một nhóm người khác.
-         Giải thích rằng rủi ro xuất phát từ phía khách hàng. Với loại rủi ro này, bất cứ ai giữ vị trí đó trong ngân hàng cũng có thể mắc phải.
-         Giải thích mình không có điều kiện biết trước hậu quả xảy ra và không mong muốn hậu quả xảy ra.
-         Giải thích rằng mình không được hưởng bất cứ lợi ích vật chất nào từ vụ đó.
-         Lặp đi lặp lại lời khai.
-         V.v…

Thực tế thì người ta còn đem xử nhiều vụ án ngân hàng. Từ những vụ kiểu này, có lẽ các ngân hàng với tư cách người sử dụng lao động nên có thêm một quy chế trách nhiệm, hay ghi vào trong Thỏa ước Lao động tập thể … về việc phân định trách nhiệm của người lao động trong những trường hợp người lao động làm đúng nghĩa vụ mà xảy ra rủi ro pháp lý. Điều này sẽ khiến người lao động trong tổ chức tín dụng an tâm cống hiến.
 
Nguồn : Bài viết của Luật sư Lê Vinh và thể hiện quan điểm chủ quan của Luật sư lúc viết bài