TỪ MỘT “ BẢN ÁN LẠ “ CỦA TÒA, CÁCH THỨC ĐƯA RA YÊU CẦU KHI GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP.

Báo Lao Động ngày 22/6/2017 có bài:  Nghệ An: Kiện chi cục thuế đòi bòi thường 23 tỷ đồng, doanh nghiệp bị xử thua vì “ bản án lạ “ ( http://laodong.com.vn/phap-luat/nghe-an-kien-chi-cuc-thue-doi-boi-thuong-23-ti-dong-dn-bi-xu-thua-vi-ban-an-la-674113.bld ).

Theo bài báo, năm 2013, doanh nghiệp Trường Sơn tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An bị Chi cục Thuế Nghĩa Đàn thu thuế hai lần bằng việc khấu trừ tài khoản. Doanh nghiệp đề nghị trừ số thu thừa vào tháng tiếp theo, Chi cục Thuế không đáp ứng. Tháng 05/2014, doanh nghiệp ngừng nộp thuế để giải quyết việc này. Ngày 07/05/2014, Chi cục Thuế đến phong tỏa tài sản, niêm phong toàn bộ hóa đơn doanh nghiệp. Cho rằng việc này gây thiệt hại, doanh nghiệp khởi kiện Chi cục Thuế ra tòa yêu cầu bồi thường hơn 12 tỷ đồng ( doanh thu, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, tinh thần .v.v… ).

Ngày 7/11/2016, Tòa án huyện Nghĩa Đàn xử. Tòa xác định doanh nghiệp nợ thuế. Chi cục Thuế không thể trừ tài khoản vì tài khoản doanh nghiệp không đủ trả nợ. Chi cục Thuế dùng biện pháp thay thế là thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Việc làm này, theo tòa, là đúng nên không chấp nhận doanh nghiệp được bồi thường.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng họ làm đơn yêu cầu tòa tuyên việc niêm phong hóa đơn của Chi cục Thuế là trái quy định. Chi cục Thuế phủ nhận việc niêm phong hóa đơn. Doanh nghiệp trình ra tờ niêm phong do cán bộ thuế lập, ký tên.

Sự lạ ở đây là việc tòa đã không xem xét đến yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp là tuyên việc niêm phong hóa đơn là trái quy định.

Thực ra, ra tòa chưa bao giờ là việc dễ dàng. Người khởi kiện phải giải một loạt bài toán, trong đó có việc chuẩn hóa yêu cầu của mình. Nói cách khác, người khởi kiện phải trả lời được câu hỏi: Kiện cái gì? Câu hỏi này được trả lời chuẩn xác khi người khởi kiện tham khảo ý kiến luật sư. Luật sư sẽ xem xét, đề xuất, chắp đơn cho việc kiện cái gì này. Khả năng thắng/thua cũng được quyết định bởi việc xác định chuẩn xác yêu cầu.

Với thông tin về vụ doanh nghiệp Trường Sơn trên, chúng tôi cho là Tòa án huyện Nghĩa Đàn đã thụ lý giải quyết vụ việc theo một trong hai thủ tục:

-         Thủ tục dân sự: Áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi làm sai của Chi cục Thuế ( niêm phong hóa đơn ) khiến thiệt hại xảy ra. Có thể doanh nghiệp đã yêu cầu hai nội dung: 1. Xem xét tuyên việc niêm phong hóa đơn là sai; 2. Từ chỗ xác định niêm phong hóa đơn là sai, xem xét hậu quả việc sai trái đó và bồi thường.

-         Thủ tục hành chính: Áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp coi việc niêm phong hóa đơn là hành vi hành chính của nhà chức trách. Theo doanh nghiệp, hành vi hành chính này là sai. Doanh nghiệp kiện yêu cầu chấm dứt hành vi này và đòi bồi thường thiệt hại.

Theo thủ tục nào thì doanh nghiệp cũng cố gắng “ gắn “ cho được yêu cầu tòa xem xét và tuyên việc niêm phong hóa đơn là sai. Vụ này, doanh nghiệp Trường Sơn đã thành công trong việc bám giữ yêu cầu.

Tòa án huyện Nghĩa Đàn đã không nhắc đến yêu cầu này.

Việc tòa án bằng cách này hay cách khác cắt cúp yêu cầu của đương sự là việc làm thông thường. Việc cắt cúp này thường diễn ra dưới dạng yêu cầu đương sự về làm lại đơn, thay vì yêu cầu tòa án tuyên người nào đó sử dụng tài sản là bất hợp pháp thì sửa thành đòi quyền sở hữu, hoặc thay vì kiện đòi quyền sử dụng một khoảnh đất thì kiện yêu cầu hủy Sổ Đỏ… Đương sự nếu không thuê luật sư thì thường dễ dàng làm theo yêu cầu này. Kết quả là yêu cầu mới không được đáp ứng vì thiếu chứng cứ ủng hộ.

Lý do của việc cắt cúp yêu cầu là việc thẩm phán không muốn giải quyết những ca khó. Án bị hủy sẽ ảnh hưởng tới vị trí thẩm phán. Vì vậy thẩm phán đẽo gọt yêu cầu biến vụ án từ khó thành dễ, giữ an toàn cho mình.

Cách bám giữ yêu cầu của đương sự có thể là:

-         Ủy quyền cho luật sư chỉ được nêu và bảo vệ yêu cầu đó;

-         Các yêu cầu phải thể hiện rõ trong “ Đơn yêu cầu “ hay “ Đơn yêu cầu bổ sung “. Tốt nhất đơn được gửi bằng đường bưu điện theo đường thư bảo đảm.

-         Viết yêu cầu ra giấy, tại các phiên làm việc hay phiên tòa, khi được hỏi yêu cầu là gì thì đọc đứng như giấy. Kiểm tra biên bản phiên tòa xem thư ký ghi đúng yêu cầu chưa. Nếu chưa nhất định phải đòi ghi lại.

Việc bám giữ yêu cầu, bất luận yêu cầu đó nghe “ lạ tai “ với thẩm phán, là cách thức để vụ án được xem xét đúng đắn, nêu không ở cấp sơ thẩm thì ở phúc thẩm và trên nữa.
 
Nguồn : Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội