TỪ KINH NGHIỆM TRANH TỤNG: TẠI SAO BẠN KHÔNG THỂ THIẾU LUẬT SƯ TRONG CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ

Hiện tại, cải cách tư pháp có bước tiến lớn. Nội dung quan trọng của nó là tăng cường tranh tụng tại  tòa. Kết quả thắng thua phụ thuộc vào việc tranh tụng đó.
Theo tinh thần này, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, hiệu lực từ 01/07/2016, thế chỗ Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004. Việc tranh tụng tại tòa dân sự được đề cao hơn nữa.
 
Thực tế thì dân ta chưa quen dùng luật sư. Tại các phiên dân sự, như chúng tôi quan sát, cơ bản không có luật sư. Người có việc ra tòa không được trợ giúp về pháp luật, tâm lý. Cảm giác mất phương hướng, bị đối xử thiếu tôn trọng, bị xử thiếu công bằng là cái họ có khi không có trợ giúp. Lỗi này, trước nhất do giới luật sư. Chúng tôi chưa thật sự có các hình thức trợ giúp phù hợp. Người có việc ra tòa  ngại không dám quay số điện thoại hỏi.
Quay trở lại Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành, những gì quy định trong luật này, rồi những gì chúng tôi trải qua, cho chúng tôi một kết luận: Người có việc ra tòa không thể không có luật sư. Lí do:
-Bộ luật Tố tụng Dân sự cũ chưa thật sự đề cao   vai trò tranh tụng. Một phiên tòa vẫn gồm phần hỏi và tranh luận. Phần hỏi vẫn do thẩm phán chủ tọa tiến hành là chính. Nhiều khi thẩm phán gò đương sự bằng những câu hỏi định hướng, khi đương sự lúng túng, thẩm phán áp đáo bằng nhận định miệng của mình. Nhận định này được ghi trong bản án như kết quả việc xét xử. Điều này khiến nhiều đương sự bức xúc khi đọc bản án vì thật sự họ không nói như vậy mà tòa vẫn ghi vào bản án và tuyên bất lợi cho họ.
-Bộ luật Tố tụng Dân sự mới đề cao một bước việc tranh tụng. Việc tranh tụng được luật định rõ gồm hỏi, đối đáp, phát biểu quan điểm về vụ án và việc hiểu – áp dụng luật. Phiên tòa không chia làm hỏi và tranh luận nữa mà đi thẳng vào bước “ tranh tụng “. Người có việc ra tòa có thể trả lời, đối đáp, nêu quan điểm… và cũng có thể để cho luật sư của mình làm thay. Luật sư hiểu luật và có kinh nghiệm sẽ làm việc này rõ ràng, chuẩn xác, có lợi nhất cho khách hàng.
Vì vậy, người có việc ra tòa nhất định nên có luật sư trợ giúp mình. Luật sư sẽ là người trả lời thay họ, đối đáp với đối phương, nêu quan điểm về chứng cứ, tình tiết vụ án, cách vận dụng luật.
Trong nghề luật sư tranh tụng, chúng tôi đều biết câu: “ Hình sơ, dân phúc “. Nghĩa là án hình sự thì phiên tòa quan trọng nhất là phiên sơ thẩm, án dân sự thì phiên tòa quan trọng nhất là phiên phúc thẩm. Vì vậy, người có việc ra tòa vụ dân sự, nên có luật sư ở cả hai phiên: sơ thẩm và phúc thẩm. Điều này khiến cho họ có thể được trợ giúp trong việc thu thập chứng cứ, nêu các yêu cầu, được nói thay tại tòa. Mặt khác, người có việc ra tòa cũng có thể tung ra những “ đòn “ tại giai đoạn quyết định là phúc thẩm. Những “ đòn “ này được luật sư của họ quyết định là ra lúc nào tốt nhất.