TRANH TỤNG KINH TẾ: LÀM SAO MUA CỔ PHẦN CÔNG TY NHỎ MÀ KHÔNG SỢ MẤT VỐN?

TRANH TỤNG KINH TẾ: LÀM SAO MUA CỔ PHẦN CÔNG TY NHỎ MÀ KHÔNG SỢ MẤT VỐN?
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Nên biến việc mua cổ phần công ty nhỏ thành con gà đẻ trứng vàng
    Nên biến việc mua cổ phần công ty nhỏ thành con gà đẻ trứng vàng
     Việc mua cổ phần công ty có thể đem lại cho bạn món hời. Bạn có thể mua cổ phiếu của các công ty có tên trên các sàn giao dịch chứng khoán. Bạn cũng có thể mua cổ phần của các công ty cổ phần nhỏ, kiểm soát, vận hành chúng và nhận cổ tức.
     Các công ty cổ phần nhỏ có thể do những người có kinh nghiệm vận hành. Khi họ chấp nhận bán cho bạn một số lượng cổ phần nhất định, họ đã chia sẻ quyền lực với bạn. Bạn nên quan tâm điều gì khi mua cổ phần của các công ty này?
     Quan tâm trước tiên về giá cả. Với số tiền bạn bỏ ra, đến lúc nào thì bạn bù đắp được vốn? Có nhiều cách trả lời câu hỏi này. Có cách này bạn thử tham khảo: Lấy lãi suất tiền gửi theo năm mà các ngân hàng đang trả cho một sổ tiết kiệm nhân với 1,5 sẽ ra số lợi nhuận hàng năm bạn đáng được nhận. Giả sử bạn góp 100 triệu cho một công ty cổ phần, lãi suất năm gửi tiết kiệm là 7%, điều này nghĩa là nếu bạn được nhận 10,5 triệu hàng năm ăn Tết, thì công ty đó rất đáng giá.
     Quan tâm tiếp theo là tình trạng pháp lý hiện có của công ty đó. Các công ty cổ phần nhỏ thường bị tình trạng: Một số cổ đông cam kết góp vốn, điều này được Sở Kế hoạch Đầu tư ghi nhận, nhưng tiến độ góp vốn theo luật định không được báo cáo cho Sở, và thực tế ở nhiều công ty, sự góp vốn chỉ thể hiện trên giấy, tiền thật không có, hoặc có thì quá ít so với cam kết. Tình trạng này rõ ràng nên được khắc phục, việc góp vốn của cổ đông cũ nên được ghi nhận đúng theo thực tế diễn ra trước khi bạn quyết định “ đập “ tiền cho công ty.  Nhất định phải có giấy chứng nhận phần vốn góp cho số tiền của bạn.
     Quan tâm nữa, khi trở thành cổ đông – mà với các công ty nhỏ, số tiền bạn “ đập “ thường biến bạn thành cổ đông lớn – bạn được phép làm gì? Đừng nói với người cầm tiền của bạn rằng cứ luật mà làm. Nhìn vào luật mông lung lắm, quá không đủ để chặn các tranh chấp. Nên thỏa thuận rõ ràng về quyền điều hành, giám sát của bạn. Cứ nỗ lực trở thành Trưởng Ban Kiểm soát. Hãy thỏa thuận để một kế toán độc lập làm việc trong công ty. Thỏa thuận rõ ràng về việc ghi chép, xem sổ sách. Lập quy chế thu chi, chia lợi nhuận rõ ràng. Nhất định xác định rõ điều kiện, cách thức chia lợi nhuận, các trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cố tình không chia lợi nhuận. Nếu bạn muốn can thiệp vào hoạt động kinh doanh, hãy có phương án kinh doanh rõ dàng, thỏa thuận rõ ràng về việc thực hiện, giám sát phương án kinh doanh đó. Họp Hội đồng Quản trị theo tháng rất tốt, nếu không, đảm bảo ràng mỗi tháng bạn nhận được một báo cáo về tình hình kinh doanh, thu chi của công ty với ngôn ngữ dễ hiểu nhất. Với khách hàng mà bạn kiếm được, cứ coi đó là khách hàng của công ty, lợi nhuận từ họ nên đổ vào “ nồi cơm lớn “, đợi đến dịp chia cổ tức.
     Và đừng quên căn chỉnh điều lệ công ty , báo lại cho Sở Kế hoạch Đầu tư về những thay đổi khi bạn góp vốn vào công ty.
     Tóm lại, từ những ý trên, bạn nên lập thỏa thuận liên quan tới việc góp vốn vào công ty, với một số nội dung:
1.Xác định rõ tỷ lệ % lợi nhuận trên vốn mà bạn góp,
2.Xác định rõ việc ghi nhận số vốn bạn góp bằng cách thức như luật doanh nghiệp quy định,
3.Xác định rõ việc giám sát các hoạt động thu chi, quyền theo dõi sổ sách kế toán, điều kiện và cách chia cổ tức,
4.Xác định rõ quyền tiến hành và giám sát các hoạt động kinh doanh theo phương án kinh doanh mà bạn và người nhận vốn thống nhất.