TRANH TỤNG KINH DOANH – THƯƠNG MẠI: 7 NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI VIỆC HÙN HẠP ĐỔ BỂ.
TRANH TỤNG KINH DOANH – THƯƠNG MẠI: 7 NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI VIỆC HÙN HẠP ĐỔ BỂ.
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Người hùn hạp làm ăn trong công ty nên hóa giải các mâu thuẫn
Các mâu thuẫn giữa thành viên công ty, cổ đông sáng lập với nhau có thể được nhận diện dựa trên nguyên nhân:
1.Cam kết góp vốn nhiều, thực góp ít: Thành viên công ty TNHH, cổ đông sáng lập công ty cổ phần thường phải cam kết góp bao nhiêu % vốn, ghi vào điều lệ công ty. Tuy nhiên, vào thời điểm ghi, có một số thành viên, cổ đông chưa góp đồng nào hoặc góp chưa đủ. Đáng ra việc góp vốn phải hoàn thành trong 90 ngày sau khi công ty thành lập thì các thành viên lại vẫn không góp đủ.Ví dụ: Công ty TNHH có vốn điều lệ là 1 tỷ, A cam kết góp 30%, B 70%. A góp đủ 300 triệu. B chưa góp đồng nào. Mâu thuẫn xảy ra là chắc chắn.
2.Đánh giá giá trị vốn góp thiếu thống nhất: Vốn góp có thể là tiền, vàng, ngoại tệ hoặc bí quyết công nghệ, máy móc, nhà xưởng. Việc đánh giá những thứ không phải tiền, ví dụ máy móc, có thể dẫn đến mâu thuẫn. Ví dụ: A góp 300 triệu. B góp 700 triệu bằng một cái máy, nhưng sẽ rất rắc rối nếu chất lượng cái máy không được như đánh giá.
3.Không thống nhất được về các hoạt động công ty: Hoạt động công ty rất đa dạng, từ khi thành lập, các bên chưa thể hình dung để thỏa thuận tốt. Sau này, vấn đề mới phơi bày, giải quyết không dễ. Ví dụ: Xác định lương, thưởng; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; việc ký kết, thực hiện các hợp đồng quan trọng, thể thức thông qua quyết định; chiến lược kinh doanh...
4.Công ty thiếu minh bạch: Tình hình kinh doanh không được công khai; thu nhập, chi phí thiếu rõ ràng; trách nhiệm của người điều hành không được làm rõ; thành viên không thể tiếp cận sổ sách...
5.Cái “ tôi “ của các thành viên, cổ đông sáng lập quá lớn, hoặc một trong số thành viên, cổ đông sáng lập biến công ty thành công cụ thỏa mãn lợi ích cá nhân.
6.Vào dễ ra khó: Người hùn hạp hay có kiểu nghĩ khi mang tiền “ đập “ vào công ty, việc rút ra cũng dễ dàng, chỉ cần nói với nhau một câu, tính toán xem tiền còn bao nhiêu rồi ra thủ quỹ nhận. Khi một người hùn hạp muốn rút khỏi công ty, việc tính toán họ còn bao nhiêu tiền và cách lấy thường gây mâu thuẫn.
7.Thiếu sòng phẳng: Làm ăn thì lời ăn lỗ chịu. Tuy nhiên, biến lời thành lỗ không quá khó. Thành viên, cổ đông không trực tiếp điều hành phải đợi đến cuối năm, cộng sổ sách, may ra mới được chia lợi nhuận, cổ tức. Trong khi người điều hành lại có lợi thế là bám sát hoạt động hàng ngày, họ có thể quyết định các khoản chi và tư túi từ các khoản đó, ví dụ bỏ túi các khoản tiếp khách, khuyến mại, quà cáp...
Đó có thể coi là lý do hay gặp ở một công ty đổ bể. Những cái cần được thỏa thuận, những thỏa thuận cụ thể sẽ được xác định nếu công ty hay người định hùn hạp làm ăn nào cũng có luật sư bên cạnh.
Share :