TRANH TỤNG HÌNH SỰ: VỤ NGƯỜI MẪU KIM PHƯỢNG TỐ BỊ HIẾP DÂM – MIKE TYSON, VẾT MỰC, NGƯỜI DỌN PHÒNG … LIÊN QUAN GÌ?

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: VỤ NGƯỜI MẪU KIM PHƯỢNG TỐ BỊ HIẾP DÂM – MIKE TYSON, VẾT MỰC, NGƯỜI DỌN PHÒNG … LIÊN QUAN GÌ?
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, mang tính chủ quan suy diễn của người viết lúc viết bài -
     Đã hơn 2 tháng kể từ khi người mẫu Kim Phượng tố bị một họa sỹ hiếp dâm.
     Ở Việt Nam, đây thực sự là loại việc nhạy cảm.
     Các luật sư, cánh báo chí giữ thái độ thận trọng. Một luật sư cho rằng cần chứng minh họa sỹ dùng vũ lực, Kim Phượng không thể kháng cự. Do không có người làm chứng, camera… nên chỉ có thể hi vọng trên cơ thể nạn nhân còn dấu vết do tác động ngoại lực hay chống cự. Một luật sư khác nói: “ Vết bầm, trầy xước hoặc trong quá trình cào cấu chống cự hoặc trong móng tay nạn nhân còn dính lại tế bào da của người hiếp dâm, giám định AND tế bào da thu được sẽ là chứng cứ chứng minh cô gái bị hiếp dâm ". Cả hai luật sư đều khẳng định là cần thêm chứng cứ khác nữa, nếu không rất khó kết luận đây là vụ hiếp dâm.
     Thật tiếc là như vậy!
     Ở Úc, một thống kê cho thấy trong 850 vụ tố cáo hiếp dâm, có 815 vụ được chứng minh là có hành vi hiếp dâm. Ở Mỹ, thống kê năm 2010, chỉ có 5,1% vụ tố cáo hiếp dâm là không thể kết tội. Vậy nghĩa là, họ có thể quy tội phần lớn các vụ hiếp dâm. Nhiều vụ thật nhạy cảm, hơn nhiều so với vụ Kim Phượng.
     Nếu so vụ Mike Tyson với cái án hiếp dâm 6 năm tù với vụ Kim Phượng đang theo đuổi thì thấy vài điểm giống. Tyson, ngay cả đến giờ, vẫn là một tên tuổi. Thời cuối 1980 - đầu 1990, chàng võ sỹ thu về hàng chục triệu đô – la cho một lần thượng đài. Mike được mời đến một cuộc thi Hoa hậu Mỹ giành riêng cho các cô gái da đen. Một thí sinh trong cuộc thi, Desiree Washington, 18 tuổi, mau chóng thành bạn của Mike. Bỗng nhiên Mike bị bắt vào tháng 7/1991 vì cáo buộc hiếp dâm Desiree. Vụ án có rất ít nhân chứng, vật chứng. Người ta chỉ biết vào 1.30 sáng, Mike gọi điện cho Desiree rủ cô đến khách sạn anh đang cư ngụ. Những gì xảy ra trong khách sạn người ngoài không biết. Không camera, không tiếng kêu gào, không chuông báo động… 30 phút sau thì Desiree về trên chính chiếc xe Limousine  đưa cô đến.
     Sau này Desiree khai: Mike gọi cô đến lúc 1.30 sáng để tặng một “ món quà bí mật “. Khi cô đến khách sạn, Mike nói để quà trong phòng. Cô vào phòng. Rồi vào phòng tắm. Bước ra với trang phục “ thoải mái hơn “. Mike vật cô ra, cưỡng hiếp. Cô tố cáo Mike 1 ngày sau. Khám nghiệm cho thấy các vết trầy xước. Mike thì cho rằng có việc quan hệ, nhưng đồng thuận. Tài xế lái Limousine làm chứng rằng thấy cô bước vào xe với thái độ hầm hầm và lẩm bẩm: “ Đồ khốn, anh nghĩ mình là ai, hãy đợi đấy! “.
     Thực sự ở Mỹ việc một cô gái vào phòng một gã đàn ông, sử dụng phòng tắm, bước ra với ít thứ trên người nhất… chẳng nói lên điều gì! Người ta vẫn xử hiếp dâm kể cả khi đầu tiên người phụ nữ đồng thuận, sau đó muốn ngừng lại, nhưng người đàn ông vẫn “ làm “. Chứng cứ chống lại Mike là: Lời chứng của tài xế về tình trạng kích động của Desiree; lời chứng của bác sỹ khám nghiệm 24 giờ sau cho rằng tình trạng thể chất của cô phù hợp với việc bị hiếp; Mike có quá khứ xấu trong hành vi bạo lực tình dục.
     Kỳ thật ra, nếu nói “ mọi so sánh đều khập khiễng “ thì bạn nên chỉ ra sự khập khiễng đó. Người viết bài lại thấy hai vụ giống nhau. Kim Phượng đi giám định 2 ngày sau việc xảy ra ( cô người Mỹ là 1 ngày, những vụ hiếp dâm ở Mỹ và Úc được chứng minh sau 17 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc ); cả hai đều thấy vết xước; thái độ bức xúc của cả hai đều có thể thấy; về quá khứ hành vi tình dục của nghi phạm thì giống nhau: Mike bị nhiều phụ nữ tố, một người mẫu khác từng được họa sỹ vẽ nói họa sỹ từng có ý sàm sỡ cô và sẵn sàng ra làm chứng ủng hộ Kim Phượng.
     Họa sỹ nói anh ấy không làm gì Kim Phượng. Chỉ đến. Vẽ lên người. Về.
     Ở đây, có thể tấm ga trải giường, bộ quần áo của người mẫu khỏa thân, người dọn phòng… có thể nói điều quan trọng nhất.
     Kim Phượng tố cáo và công an can thiệp sau 2 ngày. Giả định đúng “ chỉ vẽ “, thì sau đó, Kim Phượng sẽ phải rửa vết vẽ đó. Công an có kiểm tra căn phòng khách sạn sau 2 ngày khi vụ việc xảy ra không? Họ có thấy các vết mực vẽ trên đệm, sàn, nhà tắm? Người dọn phòng được gọi hỏi không? Quần áo Kim Phượng mặc hôm đó, liệu còn dấu vết mực vẽ dính vào? Như vậy, việc có đúng là “ chỉ vẽ “ không khá dễ chứng minh nếu công an kịp vào cuộc.
     Hiện tại, công an cũng đang xem có việc “ chỉ vẽ “ không bằng cách yêu cầu họa sỹ thực nghiệm việc vẽ này. Có lẽ đây là hướng điều tra đúng. Nếu họa sỹ “ chỉ vẽ “, anh ấy sẽ vẽ “ đúng “ sau vài lần thực nhiệm việc vẽ.
     Giả định trong phòng có việc quan hệ. Công an sẽ phải trả lời: Việc quan hệ này có đồng thuận không? Việc này có lẽ không khó lắm. Nếu đồng thuận, rõ ràng hai người phải nói với nhau cái gì đó, làm cụ thể thế nào đó, xong việc họ lại nói cái gì đó. Nếu người viết bài có cái may mắn được cô gái nào đó đồng thuận, đơn giản là anh ta có thể kể ra, viết ra, một lần hay nhiều lần, dưới nhiều kiểu hỏi khác nhau, với nhiều người hỏi, về dịp hiếm mà anh ta khó có thể quên, từ khi thuê phòng khách sạn đến khi chở cô ta về. Như vậy, việc xác định xem có đồng thuận không cũng có thể được chứng minh thông qua vài thủ thuật điều tra.
     Tóm lại, đến giờ này, diễn biến vụ của Mike thì ai cũng rõ.
     Còn với Kim Phượng, người ta còn có cái để chờ xem.