TRANH TỤNG HÌNH SỰ: ÔNG PHẠM NHẬT VŨ NÊN LÀM GÌ?

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: ÔNG PHẠM NHẬT VŨ NÊN LÀM GÌ?
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương. Bài viết dựa trên nguồn thông tin được công khai và chỉ thể hiện quan điểm chủ quan của người viết lúc viết -
     Ngày 14/3/19, Bộ Công an bắt ông Phạm Nhật Vũ vì đưa hối lộ.
     Ông có công lớn trong việc tạo ra tên tuổi VinGroup. Việc bán AVG – Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu cho Mobi Fone gây rắc rối cho ông. Theo PLO – Báo điện tử Pháp luật tp HCM ngày 16/4/2019 thì: Tháng 9/2015, ông Vũ đề xuất bán AVG với giá 8898,3 tỷ đồng. Giá trị mảng truyền hình công ty này, theo một thành viên HĐQT Mobi Fone sau khi xem sổ sách kế toán công ty, là 629 tỷ đồng. Ông Vũ cho rằng số tiền ông đưa ra gồm cơ hội kinh doanh công ty. Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV Mobi Fone chấp nhận mức giá này. Sau cuộc họp, cũng tháng 9/2015, ông Trà trình ông Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng TT & TT – và được chấp nhận mức giá cao hơn khoảng 14 lần sổ sách này. Có thể đây là mức giá hời. Các tổ chức có chuyên môn định giá đều đưa ra mức giá cao hơn nhiều ( AASC định giá 33 299 tỷ đồng; VCBS định giá 25 548 tỷ đồng; Hanoi Value 18 520 tỷ đồng, AMAX 16 562 tỷ đồng ).
     Tuy nhiên, cơ quan tố tụng nghĩ giá bị đẩy lên và đây là sai phạm. Trước ông Vũ, họ bắt một số người có trách nhiệm: Ông cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, ông lãnh đạo Bộ Trương Minh Tuấn, các ông lãnh đạo Mobi Fone, những người có trách nhiệm định giá của công ty định giá… Có tin ai đó đã tự nộp một ít trăm tỷ. Đây có lẽ chỉ là đồn thổi. Người viết tin không có chuyện đó. Nhưng, thực tế cơ quan tố tụng thường cho rằng: Việc tự nguyện bồi thường có nghĩa là đã thừa nhận sai phạm. Có lẽ biết vậy, một vị tướng, bị quy nhận hối lộ nên mới có khối tài sản nghìn tỉ, luôn cho rằng tiền mình có được nhờ bán cây cảnh. Chẳng ai làm gì được ông!
     Như vậy, khi bắt giam ông Vũ, dễ đoán là cơ quan tố tụng đã biết được điều gì đó. Cũng giống mọi vụ án, điều tra viên, kiểm sát viên thực sự chủ động. Họ có quá nhiều “ đồ chơi “.
     Vậy, “ đồ chơi “ của ông Vũ là gì?
     Hiện chưa có kết luận điều tra. Người viết vẫn mạo muội đoán cấu trúc buộc tội ông Vũ mà cơ quan điều tra sử dụng: 1.Mức giá được nâng đến gần 9000 tỷ; 2.Bên mua chấp nhận giá đó vì người có quyền quyết định đã nhận một ít trăm tỷ; 3.Bên bán nhận tiền, ngoài phần bù đắp một ít trăm tỷ lobby, bỏ túi phần còn lại. Cấu trúc này khiến ông Vũ bị quy đưa hối lộ. Tương lai, với việc cho rằng có được hàng ngàn tỷ sau khi “ thổi giá “, không loại trừ ông Vũ hoặc ai đó nữa bị quy thêm tội. Lừa đảo chẳng hạn ( ?! ). Cần nhớ, chính tờ PLO đưa tin: AVG thông báo rằng có bên nước ngoài đang “ tranh “ mua AVG giá 700 triệu USD. Về sau cơ quan điều tra không thấy sự tồn tại của bên nước ngoài này.
     Nếu đúng cấu trúc này, “ đồ chơi “ của ông Vũ hay ai đó bào chữa cho ông là những thứ có thể phản bác cấu trúc. Cụ thể, 1.Việc “ thổi giá “ nên bị bác bỏ; và 2.Hối lộ cũng nên được chỉ ra là không có. Hình như, vẫn có cái để “ chơi “. Định giá chẳng hạn. Không thể có định giá đúng với tài sản vô hình như thương hiệu hay cơ hội kinh doanh. Cơ hội kinh doanh vẫn có thể đẩy giá trị một doanh nghiệp lên cao. Tất nhiên, sẽ phải xác định đó là cơ hội gì. Còn hối lộ thì đúng là việc trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Chứng minh hối lộ luôn khó.
     Và, ông cũng cần ai đó nhắc rằng chỉ trả lời về tội danh bị truy tố, là hối lộ. Bị can được phép làm vậy. Nếu làm đúng, cơ hội để buộc thêm tội cho ông có vẻ ít xảy ra hơn. Chặn việc bị buộc thêm tội cũng là nỗ lực quan trọng cần làm. Ông cũng nên được photo các bản cung chống lại ông. Đơn từ nên được làm yêu cầu làm rõ cái có lợi hay lý giải việc xảy ra.
     Người viết nghe nói ông Phạm Nhật Vũ luôn có một đội cố vấn “ trong mơ “. Đó là các chuyên gia hàng đầu đủ mọi lĩnh vực. Về luật, ông có trong tay các luật sư giỏi nhất, học ở Mỹ, Anh, Úc … về. Những luật sư tranh tụng giỏi giang cũng đang được đánh tiếng.
Vậy, lúc này là lúc họ chứng minh tài năng.