TRANH TỤNG HÌNH SỰ: LÀM GÌ KHI BỊ GIỮ TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP?

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: LÀM GÌ KHI BỊ GIỮ TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP?
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Đi kẹp ba ngoài đường rất có thể là ai đó đang bị giữ hình sự
    Đi kẹp ba ngoài đường rất có thể là ai đó đang bị giữ hình sự
Một khách hàng cũ của người viết không may dính vào một vụ án hình sự. Anh ta và vài người nữa trót khui một công – ten – nơ linh kiện vi tính nhập lậu. Chủ lố hàng làm đơn thưa công an. Để bắt giữ thủ phạm, điều tra viên đề nghị một người làm công cho chủ lố hàng mà thủ phạm cũng biết gọi anh ta ra bàn một vụ làm ăn. Khi thủ phạm ra đến nơi, có ba người mặc thường phục áp sát – Anh là X hả? – Vâng, có việc gì thế? – Chúng tôi là điều tra viên, anh liên quan đến một vụ trộm, đề nghị anh hợp tác, mời anh về trụ sở - Tôi chẳng biết các ông là ai – Ông muốn bị bắt ở đây hay đưa về nhà? Nhà thì tam đại đồng đường, lại có hàng xóm. Bắt ở nhà thật mất mặt. Khách hàng cũ của người viết chấp nhận ngồi lên xe máy kẹp bốn về trụ sở cơ quan cảnh sát điều tra.
Đây là ví dụ minh họa cho cái gọi là “ giữ người trong trường hợp khẩn cấp “. Điều 110 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định các trường hợp được giữ người:
-Người chuẩn bị tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
-Người mà người khác chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay người đó trốn.
-Có dấu vết tội phạm trên người, chỗ ở, nơi làm việc, phương tiện của một người và xét thấy cần ngăn chặn người đó trốn, hủy chứng cứ.
Cũng tại điều 110 có quy định:
-Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người.
-12 giờ tiếp theo, điều tra viên phải lấy lời khai người bị giữ. Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm giữ, lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do cho người bị giữ.
Cứ như vậy thì cựu khách hàng của người viết hoàn toàn được đề nghị xem lệnh giữ người sau khi về đến trụ sở công an. Anh ta có thể hỏi điều tra viên lúc đó là mấy giờ và xác định cái người ta sẽ làm với anh ta 12 giờ tiếp theo. Đó hẳn là một màn lấy lời khai. Nếu phải khai, anh ta có thể nói với điều tra viên: Tôi sẽ không nói những gì có thể dùng để buộc tội tôi. Rồi sẽ có một quyết định tạm giữ có Viện Kiểm sát phê chuẩn. Khi có quyết định tạm giữ, anh ta lại tiếp tục chờ đợi từng ba ngày nữa, ba lần như vậy ( ba lệnh chín ngày ). Hoặc nếu không thì sẽ có một lệnh bắt người bị giữ. Anh ta được đưa thẳng đến trại tạm giam. Quá tốt! Điều này nghĩa là anh ta được ăn theo giờ, ngủ đẫy giấc, không phải nơm nớp lo nghĩ chuyện điều tra viên lấy cung vì điều tra viên cũng phải làm thủ tục vào trại. Còn nếu được trả tự do thì không còn gì để nói.
Một số gợi ý để người bị giữ hành xử là:
1.Nếu chắc chắn là điều tra viên ( với cách nói là đề nghị hợp tác và ông muốn bị bắt ở đây hay đưa về nhà, một số thứ khác nữa, tóc cắt ngắn đúng điều lệnh công an chẳng hạn ), và nếu thiếu không gian chơi trò đuổi bắt, hãy bình tĩnh theo họ mà không cần làm ầm ĩ lên hay chống đối.
2.Ở trụ sở công an, hãy đề nghị cho xem lệnh giữ, xem kỹ căn cứ giữ người là gì ( bạn có thể đoán được họ biết gì rồi ). Xác định lúc đó là mấy giờ.
3.Xin một cú điện thoại gọi về nhà báo tình hình và dặn đem quần áo, thức ăn, nước uống ... lên nếu có thể.
4.Hãy nghĩ đến việc có một luật sư. Nhất thời bạn không nhớ luật sư nào, nhưng người nhà của bạn, khi bạn được cho gọi một cú điện thoại, có thể giúp bạn việc này.
5.Nếu có bệnh tật gì phải thường xuyên dùng thuốc thì hãy nói với điều tra viên và đề nghị được trợ giúp.
6.Khi người ta lấy cung, khai hay không tùy bạn. Bạn có thể nói với điều tra viên là sẽ không khai những gì buộc tội mình. Việc lấy cung còn dài và bạn vẫn có nhiều cơ hội để tỏ ra thành khẩn nếu không có gì oan khuất. Nếu lựa chọn thành khẩn, và thấy tội mình không nghiêm trọng, hãy đề nghị điều tra viên không tiến hành tạm giữ.
7.Hết 12 giờ, hãy hỏi xem cơ quan điều tra sẽ làm gì tiếp với mình: Tạm giữ, ra lệnh bắt hay trả tự do.
Trên đây là một số gợi ý cơ bản, người bị giữ nên tùy cơ ứng biến. Cốt nhất là giữ bình tĩnh, chấp nhận mọi việc nếu nó xảy ra, không mất tinh thần.