TRANH TỤNG HÌNH SỰ: KHÔNG BIẾT THIỆT HẠI, KHÔNG THỂ KẾT TỘI.

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: KHÔNG BIẾT THIỆT HẠI, KHÔNG THỂ KẾT TỘI.
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương -
     Ở nước ngoài, vô tội tương đương với không thể kết tội.
     Ở Việt Nam, tòa hiếm khi tuyên vô tội. Tòa không thừa nhận việc không thể kết tội ai đó. Vô tội thường do oan sai.
     Tuy vậy, tình thế không thể kết tội vẫn xảy ra. Tức là có xảy ra hành vi vi phạm, nhưng cơ quan điều tra làm sai khiến cho việc chứng minh tội phạm khó khăn. Tình thế được giải quyết bằng cách hoặc là cứ tuyên ai đó có tội, hoặc là tòa trả hồ sơ nhiều lần điều tra bổ sung.
     Vụ sau là  ví dụ:
     Tháng 12/2011, công ty Ngọc Hưng ở thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị nhập gỗ từ Lào. Lô gỗ đi từ cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để xuất sang Hồng Công thì bị chặn. Công an quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng thấy có vi phạm về hải quan nên giao cho Chi cục Hải quan Đà Nẵng xử lý. Tiếp là Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan vào cuộc. Quyết định khởi tố vụ án được ban bố. Hồ sơ chuyển cho Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ ( C46 ) Bộ Công an. C46 kết luận không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Hồ sơ trả lại Tổng Cục Hải quan. Rồi sau đó hồ sơ được đưa lại cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra ( C44 ) Bộ Công an. Cơ quan này lại cho rằng có việc phạm tội và khởi tố bị can. Tháng 10/2014, TAND thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa và đã trả hồ sơ. Gần nhất, 14/08/2017, vụ việc lại được đưa xử. Tòa Đà Nẵng lại trả hồ sơ. Lý do: Nhận định của công an là mâu thuẫn. Một lô hàng, cùng nguồn gốc, cùng ngày làm thủ tục, nhưng một phần được cho là hợp pháp. Phần còn lại, ban đầu công an xác nhận là không vi phạm và trả lại công ty. Về sau lại kết luận là phạm tội. Ngoài ra, lô gỗ khi bị thu cũng không có biên bản thu giữ, không giao biên bản cho công ty, khi đấu giá không báo công ty, biên bản khám xét lô hàng bị cán bộ hải quan sửa …
     Ngày 14/8/2018, tòa Đà Nẵng lại đưa vụ này ra xử. Biết có vấn đề trong việc xử lý tang vật, các bị cáo lãnh đạo công ty đã yêu cầu mang số gỗ tang vật … ra tòa. Hẳn tòa bác vì lý do gỗ đã bán rồi, nếu còn thì cũng không có chỗ để.
     Có lẽ các bị cáo đánh đúng chỗ yếu vụ việc. Việc thống kê, ước lượng, định giá tài sản luôn là vấn đề trong một vụ án. Tài sản cần định giá thường phức tạp, có thể là hàng lậu, trốn thuế… nên thường thiếu thông tin thị trường. Cơ quan định giá thường là phòng kinh tế quận, huyện, theo quy định về cơ quan định giá trong tố tụng hình sự. Các công ty định giá bên ngoài, có phương pháp làm việc khách quan, thận trọng lại không thể tham gia. Cách làm việc của điều tra viên, khi thống kê, bảo quản hàng phạm pháp rõ ràng không thể chuyên nghiệp bằng người được đào tạo quản lý kho bãi. Rồi việc xử lý bằng đấu giá cũng rất phức tạp, chỉ giành cho người được đào tạo. Vì vậy, vấn đề xác định giá trị tài sản, giá trị thiệt hại, khoản phải bồi thường … trong vụ hình sự luôn là chỗ để các luật sư khai thác.
     Và như vụ buôn lậu trên, xử đi xử lại 7 năm vẫn chưa xong, thì rõ ràng định giá thành vấn đề đẩy việc đến chỗ không thể kết tội.
     Tất nhiên  người ta có thể vẫn tuyên ai đó có tội. Đó lại là vấn đề khác.