TRANH TỤNG HÌNH SỰ: ĐỐI PHÓ RA SAO KHI BỊ KHÁM NHÀ
17-07-2019 19:15
TRANH TỤNG HÌNH SỰ: LÀM GÌ KHI BỊ KHÁM NHÀ, NƠI LÀM VIỆC -Bài viết của luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội - Nhãn
Bắt, khám là việc mà công an thường làm. Đó là cách tìm sự thật một vụ án. Nhưng, người bị truy tố,bị khám chỗ ở, chỗ làm việc có nên hoàn toàn bị động không? Đã đành là nên chủ động hợp tác, nhưng nên làm cụ thể những gì? Để xem người ta nên làm gì khi bị khám xét, người viết đề cập tới mấy chuyện gần đây. Đầu tiên là chuyện luật sư Trần Vũ Hải. Anh học luật nhiều năm ở Đức. Anh là một trong những luật sư đầu tiên của Đoàn Luật sư Hà Nội, lúc mới ra đời năm 1988 chỉ khoảng dưới 50 người. Công ty luật Hà Nội do anh thành lập cùng luật sư tên tuổi Nguyễn Thành Vĩnh hồi đó đứng ở vị trí cao chót vót, khách toàn công ty nước ngoài tên tuổi, như Pullman Metropole chẳng hạn. Đời luật sư, Trần Vũ Hải làm nhiều vụ cộm cán, như đại diện cho một xứ đạo miền Trung yêu sách tiền bồi thường trong thảm họa môi trường, nỗ lực trong vụ bà con Đồng Tâm bắt các chiến sỹ cảnh sát cơ động.v.v… Con trai anh, một luật sư học tiến sĩ luật từ Mỹ về, hoạt động thật ấn tượng. Anh có các bài viết, clip trên mạng xã hội tuyên truyền pháp luật cho quần chúng, ví dụ như khi bị công an bắt xe máy nên phản ứng thế nào, nào yêu công an chào, yêu cầu nói rõ lý do.v.v… Vậy mà Trần Vũ Hải bị khởi tố. Những hình ảnh cho thấy nhà chức trách khám nơi ở, nơi làm việc của anh. Những vật được thu giữ, để trong thùng carton, chất đầy khoang sau của hai chiếc ô tô. Tiếp đến là chuyện của Bùi Quang Huy, ông chủ Nhật Cường Mobile. Một doanh nhân tầm cỡ ở Hà Nội. Anh có hệ thống cửa hàng bán điện thoại di động hoành tráng, doanh nghiệp của anh viết nhiều phần mềm quan trọng phục vụ quản lý nhà nước thời 4.0. Và anh bị khởi tố hình sự, bị truy nã. Một loạt cửa hàng của Nhật Cường bị khám, cửa hàng ở Cầu Giấy, Xuân Thủy, Chùa Bộc … Riêng trụ sở công ty Nhật Cường tại phố Trần Phú, việc khám xét trong ngày 9/5/2019 kéo dài 12 tiếng. Từ hình ảnh trên mặt báo, người ta có thể thấy hàng đống đồ thu từ các điểm đó được chất lên các xe tải. Từ những vụ trên, người viết tin rằng nên biết cách hợp tác với nhà chức trách khi khám xét. Ví dụ như anh Hải, khi thấy công an đến, anh hẳn đã hỏi đến vì việc gì. Người ta báo với anh là anh vướng phải vụ mua bán đất trốn thuế. Không ai cấm anh nói với họ rằng anh sẽ hợp tác trong vụ trốn thuế này. Anh đề xuất với họ chỉ khám xét, thu giữ, hỏi … về những thứ liên quan đến việc trốn thuế. Đây hợp đồng công chứng, giá chỉ bằng 1/3 giá thực đây, đây là hợp đồng “ thật “, đúng giá đây, đây là biên lai nhận tiền,đây là biên bản giao đất…Còn nếu họ nhất định muốn thu các giấy tờ khác, anh hẳn đã lên tiếng khiếu nại. Và nếu khiếu nại không được gì, anh vẫn cứ tiếp tục hợp tác. Nhất định đề xuất cùng họ xem kĩ từng thứ trong hai xe tải giấy tờ mà họ thu. Là luật sư, anh có nhiều hồ sơ vụ việc đang giải quyết. Yêu cầu photo, photo xong để họ đối chiếu bản chính, để lại cho công an bản photo đối chiếu, còn nếu không, khi lấy bản photo, anh vẫn có hồ sơ để làm. Giả định việc này đòi hỏi vài ngày, chẳng sao nếu đề xuất họ khám nhà trong vài giờ nhất định, niêm phong đồ trước khi khám, cho người ở lại canh đồ qua đêm…Đó là những thứ có lẽ anh Hải đã làm, thậm chí anh đã làm những thứ cao hơn thế. Bùi Quang Huy khá khác anh Hải. Khi bị khám, anh ở đâu không có mặt. Có điều là người nhà anh, giám đốc các cửa hàng, hoàn toàn có thể ghi hình, tự kiểm đếm, đề nghị in sao các dữ liệu trong ổ cứng, đề nghị photo và đưa bản photo cho công an và giữ lại hóa đơn đỏ còn làm việc với thuế. Tóm lại, từ vụ việc trên, người viết đúc rút một số cách thức sau để đối phó với việc khám xét: 1.Không hoảng sợ, không chống đối. Cam kết hợp tác với nhà chức trách. 2.Nếu có thể, chủ động đưa những thứ liên quan đến tội mà nhà chức trách đang buộc. Không nhất thiết phải đưa những thứ khác và nói nguồn gốc của nó. Điều này tiết kiệm thời gian cho nhà chức trách. 3.Cùng nhà chức trách kiểm đếm đầy đủ thứ bị thu giữ. Đảm bảo cái câu nhà chức trách ghi trong biên bản “ ngoài những thứ kể trên, chúng tôi không thu giữ thêm thứ gì “ là đúng. 4.Đề xuất giữ lại những thứ là phương tiện kiếm sống. Những thứ như điện thoại, máy tính… đề xuất được copy dữ liệu ổ cứng, số điện thoại. 5.Với giấy tờ, hợp đồng, hóa đơn… đề xuất được photo. Thuê cả máy photo mang vào nhà nếu cần. Đề xuất trao cho nhà chức trách bản photo sau khi đã xác nhận sao y bản chính. Nếu mất nhiều thời gian, đề xuất nhà chức trách chia ra nhiều ngày để khám và niêm phong cái cần khám trước đã. Chấp nhận để nhà chức trách cho người ở lại hiện trường canh những thứ đó. 6.Sau khi bị thu giữ đồ, giấy tờ… thường xuyên làm việc với nhà chức trách xin lại những thứ không liên quan đến vụ việc. Có thể những yêu cầu của người liên quan bị gạt đi, nhưng cứ yêu cầu, yêu cầu, yêu cầu.