TRANH TỤNG HÌNH SỰ: CÔNG DỤNG CỦA BÀN KHAI BÁO

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: CÔNG DỤNG CỦA BÀN KHAI BÁO
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương. Bài viết dựa trên các thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và chỉ thể hiện quan điểm chủ quan của người viết lúc viết -
     Phan Văn Anh Vũ liên tục xin giấy bút để ghi chép.
     Trước đây, 30/7/2018, anh ta bị tuyên 9 năm tù tội lộ bí mật nhà nước.
     Giờ thì anh ta ra tòa lần nữa vì bị quy kết làm thất thoát 2608 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á ( DAB ). Tòa thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu xử vụ này từ 27/11/2018.
     Tại tòa, Vũ gây kinh ngạc về trí nhớ. Anh ta nhớ từng dòng của một biên bản ghi lời khai.
     Dù sao người viết khâm phục Vũ. Anh minh mẫn, sử dụng bộ não đúng lúc  và hiệu quả nhất. Và, việc nhớ này, cộng với việc phải xin giấy bút ghi chép là một việc đáng tiếc.
     Việc nhớ từng dòng biên bản ghi lời khai cho thấy Vũ không có lời khai đó, và những lời khai khác, trước mặt. Theo luật, từ khi có kết luận điều tra, bị can có thể yêu cầu điều tra viên cung cấp bản photo lời khai của mình và của những người khác liên quan đến mình. Và do bị cáo có thể có trong tay các bản photo đó, chẳng ai cấm anh/chị ta mang nó ra tòa. Như vậy thì cần phải đặt các bản photo ở đâu đó. Điều này khiến cho tòa án phải khai tử một biểu tượng – đó là chiếc vành móng ngựa, vốn dĩ không thể để được giấy tờ lên trên ( Chú thích thêm: Đây là quan điểm của riêng người viết, với khả năng tác động là 0 trong việc quyết định bỏ vành móng ngựa ).
     Khi Vũ không có lời khai, của mình, của người khác khai cho mình, không có kết luận điều tra, không có cáo trạng photo đặt trước mặt… cho thấy: Anh ta chưa được chuẩn bị tốt cho phiên tòa. Anh ta thiếu thông tin và phần nào mất phương hướng. Không rõ người ta có đưa giấy bút cho anh không, và nếu đưa thì anh kê lên cái gì để ghi lại nội dung người ta khai cho mình.
     Mấy hôm trước, Vũ nộp 9 trang trình bày để ghỡ tội. Đây là điều tốt. Dù sao anh được tạo điều kiện viết đến 9 trang. Hẳn anh ta phải thức cả đêm trong phòng giam để viết. Người của trại đã đưa giấy bút cho anh ta viết. Trong vụ Ocean Bank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – vào chiều hôm trước – được tòa yêu cầu viết vào giấy các khoản mà mình đã chi để đối chiếu với cáo trạng. Sáng hôm sau tòa vẫn không có cái tòa cần. Đơn giản vì buổi tối khi về trại, chẳng ai đưa giấy bút cho ông ta.
     Tuy nhiên, 9 trang gỡ tội nộp tại tòa cũng cho thấy, Vũ thiếu một chiến dịch đơn từ ( có thể chính Vũ làm, người nhà Vũ ở ngoài làm cho Vũ, luật sư của Vũ làm ). Trong những vụ đại án ngân hàng, hồ sơ xếp kín thùng xe tải, khi cái xe đó đi từ sân viện sang sân tòa, người của tòa thành người bốc xếp, thì nói thật chẳng ai đọc hết được, kể cả tòa. Đơn từ rải như bướm bay, được lặp đi lặp lại của bị cáo có thể tác động mạnh đến nhận thức của những người xử. Nó tổng hợp và xác định rõ vấn đề cần xem xét, tránh được các cuộc tranh luận kiểu loạn đả ở tòa. Thậm chí, nó làm lay chuyển ý định buộc tội.
Như vậy, vấn đề của Vũ có thể nằm ở việc: Anh ta có gì để đặt lên mặt bàn khai báo. Nếu là bản photo hồ sơ, cáo trạng … hoặc giấy bút để gạch đầu dòng, anh ta có “ đồ “ để chơi lại quý Viện, vốn dĩ khá xa lạ với các nghiệp vụ ngân hàng.
     Rộng hơn nữa, luật đã cho phép bị cáo, luật sư bào chữa rộng cửa.
     Có dùng hết các lá bài hay không lại là chuyện khác.