TRANH TỤNG HÌNH SỰ: CƠ HỘI CHO HOÀNG CÔNG LƯƠNG

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: CƠ HỘI CHO HOÀNG CÔNG LƯƠNG
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn LS Hà Nội. Bài viết chỉ thể hiện quan điểm chủ quan, có thể thay đổi của người viết lúc viết, dựa trên các thông tin trên phương tiện thông tin hợp pháp -
Hoàng Công Lương lại chuẩn bị hầu tòa vào 14/1/2019.
Thú thật, khi biết Lương bị quy tội ngộ sát, người viết và một số đồng nghiệp lo cho anh: Anh có thoát được việc kết tội lần nữa không? Nhất là khi lần này, với tội mới, cơ hội buộc tội với Lương đã lớn hơn.
Lần trước, Lương bị quy thiếu trách nhiệm gây hậu quả. Logic kết tội, được người viết hiểu là: Cáo trạng cho rằng điều trị cho bệnh nhân là trách nhiệm của khoa thận, Bệnh viện Hòa Bình. Ông Trưởng khoa chịu trách nhiệm trực tiếp. Là người được phân công, Lương phải kiểm tra điều kiện vận hành thiết bị y tế, nhưng đã không làm và tự ý cho phép chạy thận không báo cáo Trưởng khoa, như vậy là thiếu trách nhiệm. 8 người chết là hậu quả của việc thiếu trách nhiệm này.
Logic kết tội này không đứng vững vì tại tòa, người ta biết Lương có toàn quyền quyết định việc điều trị bệnh nhân, còn gọi là quyền ra y lệnh. Anh không cần xin ý kiến ai.
Lần này, logic kết tội của cáo trạng có lẽ là: Lương có kiến thức và kinh nghiệm y khoa. Với kiến thức và kinh nghiệm, anh đáng ra phải kiểm tra điều kiện chạy thận nhưng do tin vào báo cáo của đồng nghiệp nên đã ra y lệnh điều trị  bệnh nhân. Sự cẩu thả dẫn tới hậu quả chết người và anh là một trong những người phải chịu trách nhiệm.
Một logic nguy hiểm. Có lẽ chính nó đã khiến Lương nhập viện vì lo nghĩ. Thực tế, người ra tòa nhiều lần, lần sau luôn bình tĩnh, tỉnh táo hơn lần trước. Lương thì ngược lại.
Tuy vậy, cơ hội chặn đứng việc buộc tội là đáng kể. Người viết còn hi vọng anh được tuyên vô tội.
Cơ hội này có lẽ sẽ được hiện thực nếu Lương và 10 luật sư của anh bẻ gãy logic buộc tội. Đúng là Lương có kiến thức và kinh nghiệm, nhưng anh có phải kiểm tra điều kiện chạy thận không? Nếu có, anh có thể phát hiện ra cái gì đó bất thường để dừng việc điều trị không? Có đúng là anh đã cẩu thả?
Luật sư của anh sẽ tìm ra lý do xác đáng để trả lời rằng: Anh không cẩu thả. Với trách nhiệm được giao, với những thiết bị y tế, với kiến thức và kinh nghiệm, có tập trung nhất thì anh hay bất cứ thần y nào khác cũng không thể biết được hậu quả chết người sẽ xảy ra.
Điều này có vẻ như đã có. Tổng Hội Y Dược học có văn bản cho rằng: Có kiểm tra chất lượng nguồn nước, Lương cũng không thể biết được rằng nó có đảm bảo không ( nước “ bẩn “ là nguyên nhân dẫn đến cái chết, và cáo trạng cho rằng Lương phải lường được việc này ). Cũng Tổng hội, có kết luận: Lương chỉ phải chịu trách nhiệm về những gì được phân công ( tức là quá trình bắt đầu từ khi những chiếc máy chạy thận bật lên ).
Có vẻ kết luận kiểu này hoàn toàn thiếu trong hồ sơ buộc tội ( ? ). Cách thường thấy trong các vụ có người chết: Công an chỉ trưng cầu giám định tại sao họ chết. Nhiều khả năng, trong vụ bác sỹ Lương, công an không đặt câu hỏi với các chuyên gia y tế, rằng quá trình lọc thận diễn ra như thế nào? thực tế Việt Nam, việc chuẩn bị các điều kiện chạy thận diễn ra như thế nào? hay, trực tiếp nhất, bác sỹ ra y lệnh có phải và có thể kiểm tra nguồn nước không? Ít ra người viết chưa nghe đến thông tin kiểu này, nếu có, dại gì người ta không trích dẫn (?!)
Nếu đúng vậy, Lương và luật sư của anh có trong tay vũ khí lợi hại. Nên thu thập thêm các giải thích kiểu này từ phía các chuyên gia y tế. Những giải thích này nên được ghi nhận hợp pháp, ví dụ bằng thừa phát lại, ít ra thì cũng là văn bản có đóng dấu của văn phòng luật sư. Có thể đưa ra trước tòa, có thể yêu cầu tòa chấp nhận để các chuyên gia đó hiện diện ( luật sư của Lương đã nỗ lực làm việc này, và tòa bác  ), có thể kèm trong đơn từ, tài liệu khác gửi các cơ quan có liên quan..v.v…
Hi vọng Lương tai qua nạn khỏi.