TRANH TỤNG HÌNH SỰ: CÁCH THOÁT KHI BỊ LỪA SỔ ĐỎ

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: CÁCH THOÁT KHI BỊ LỪA SỔ ĐỎ
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, chỉ thể hiện quan điểm cá nhân, không phải là lời tư vấn chính thức.
     Thủ đoạn này khá rộ: Một người có Sổ Đỏ, cần tiền. Một người khác hứa cho vay, chỉ cần đưa Sổ Đỏ. Tiền được chuyển. Con nợ trả nợ vài tháng. Chủ nợ nói con nợ ra ký giấy tờ tại phòng công chứng. Tại đây, công chứng viên đưa một tập giấy tờ ký, điểm chỉ. Thời gian sau, con nợ bỗng nhận được trát hầu tòa vì ngân hàng kiện. Khi đến tòa, con nợ biết ai đó đã vay tiền ngân hàng, nhà đất của mình được thế chấp. Do người vay  không trả tiền, ngân hàng kiện ra tòa hoàn tất việc bán nhà đất. Ở đây, món tiền con nợ vay ban đầu có khi chỉ bằng 1/3 giá trị món mà ngân hàng cho vay.
     Mấu chốt thủ đoạn này là: Tại phòng công chứng, giấy tờ công chứng viên kêu con nợ ký, điểm chỉ ( phần lớn con nợ không đọc, đọc cũng không hiểu  ) chính là hợp đồng ủy quyền cho chủ nợ toàn quyền sử dụng nhà đất và Sổ Đỏ. Có giấy này, chủ nợ có thể kêu con, em mình ra vay ngân hàng và thế chấp nhà đất con nợ.
     Màn ăn gấp thếp chủ nợ là:
  • Cho vay tiền lần đầu và lục tục nhận lại tiền, không cần nhận đủ.
  • Mang nhà, đất, Sổ Đỏ vay ngân hàng, cầm tiền từ ngân hàng không cần trả, dồn nợ lên đầu con nợ.
     Suy cho cùng thì tiền đều từ Sổ Đỏ con nợ mà ra, “ mỡ nó rán nó “.
     Xử lý tình huống này cho con nợ có nhiều cách. Mỗi luật sư có một cách. Có vị cho rằng “ bút sa gà chết “, đã ủy quyền định đoạt nhà đất tại công chứng, nay xảy việc thì ráng chịu, không ai ép con nợ ký.
     Nhìn theo hướng này việc không thoát.
     Nếu nhìn theo hướng chủ nợ là kẻ lừa đảo và ngân hàng phải có trách nhiệm chuyện này, thì con nợ có thể có hy vọng.
     Rõ ràng, để ăn gấp thếp hay “ mỡ nó rán nó “, chủ nợ lừa con nợ rất tinh vi. Kết quả là con nợ phải gánh số nợ gấp nhiều lần số được vay. Người đòi nợ lại là ngân hàng với Sổ Đỏ trong tay. Chủ nợ ôm được một số tiền lớn, không do làm ăn kinh doanh, không được thừa kế, không nhặt được, không trúng số… tức là không có một căn cứ hợp pháp nào được luật thừa nhận để có tài sản.
     Ngân hàng cũng không vô can. Việc của cán bộ ngân hàng là thẩm định tận nơi tài sản. Họ đã không làm. Thực ra nghiệp vụ này rất thông thường. Cán bộ ngân hàng vẫn xuống xem xét hàng hóa trong kho, tiến độ thi công công trình… Việc xuống nơi có nhà đất tìm thông tin là bình thường. Thực tế là tháng 9/2018, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã xử 3 cán bộ Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Hoa, thành phố Hồ Chí Minh tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng vì trong các sai phạm có cả hành vi không đến tận nơi thẩm định tài sản.
      Vậy, việc tố cáo đến công an với hành vi lừa đảo và vi phạm quy định cho vay có thể là cứu cánh cho con nợ. Ít ra làm chậm lại quá trình mất nhà.