TRANH TỤNG HÌNH SỰ: BƯỚC NGOẶT CỦA NỀN TƯ PHÁP
TRANH TỤNG HÌNH SỰ: BƯỚC NGOẶT CỦA NỀN TƯ PHÁP
- Bài của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương –
Tháng 9/2016, Tòa án huyện Đắk Hà tuyên 5 bị cáo 12 – 15 tháng tù tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo kháng cáo kêu oan. Tháng 3/2017, Tòa án tỉnh Kontum hủy án sơ thẩm. Xử sơ thẩm lần 2 tháng 9/2017, Tòa án huyện Đắk Hà vẫn tuyên các bị cáo 11 – 14 tháng tù.
Ngày 31/5, Tòa án tỉnh Kontum xử phúc thẩm lần hai. Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho 5 bị cáo khẳng định thân chủ vô tội. Các bị cáo không cưa gỗ trong loại rừng mà nếu cưa sẽ bị xử hình sự. Thể tích khối gỗ bị cưa dưới 5m3 chỉ đáng xử lý hành chính.
Kết quả là tòa tuyên 5 bị cáo vô tội. Chấp nhận toàn bộ lời bào chữa luật sư.
Thực sự đây không phải lần đầu tiên tòa tuyên bị cáo vô tội. Năm 1967, Tòa án Tối cao tuyên vô tội bị cáo trong kỳ án giết vợ lá trúc đào. Vợ anh này chết. Tại cơ quan công an, anh này nhận tội giết vợ bằng cách dùng xoong sắc lá trúc đào với cháo, trộn đường cho vợ ăn. Vật chứng là lá trúc đào tìm thấy sau sân nhà. Bác sĩ địa phương khẳng định vợ anh chết với biểu hiện ngộ độc .v.v… Tuy nhiên, luật sư đã chỉ ra nhiều điểm vô lý: Không có kết luận xét nghiệm của Bệnh viện Kiểm nghiệm Trung ương, không thể trộn lá trúc đào với đường mà vẫn ăn được vì quá đắng, người phạm tội tỏ ra yêu thương vợ… Cuối cùng thì nguyên nhân cái chết được cho là vợ anh, do hở van tim và được khuyến cáo là không nên lập gia đình, chết vì thể trạng yếu khi sinh hoạt vợ chồng.
Năm 1976, bị cáo Tạ Đình Đề bị xử về tội cố ý làm trái, nhận hối lộ, tham ô tài sản XHCN. Cáo trạng dựa vào kết luận của thanh tra, một kết luận không ngày tháng, không có chữ ký trưởng đoàn. Cuối cùng thì ông Tạ Đình Đề được tuyên vô tội, tha bổng tại tòa.
Thật ngạc nhiên là những vụ án này đều thuộc về thời kỳ Việt Nam thiếu luật và thiếu người xét xử có trình độ. Trong khi đó, 20 năm trở lại đây, số lượng luật được thông qua, sửa đổi, bổ sung … nhiều đến mức một luật sư cũng không thể nhớ được. Các thẩm phán thì ngày một được chuẩn hóa, đào tạo chuyên sâu, học cao. Vậy mà có lẽ chưa có vụ án nào bị cáo được tuyên trắng án. Nhất là các vụ thuộc phạm vi một tỉnh xử thì việc tuyên vô tội dường như không thể có. Lý do: Tòa án là cơ quan xét xử, họ sẽ bảo vệ quyền lợi của nhà nước, tức là lợi ích của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát trước tiên. Thêm vào đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm giữ ổn định tình hình chính trị - xã hội địa phương. Điều này dẫn đến một kết luận khá tiêu cực: Ở Việt Nam, cứ hễ bị truy tố là có tội; cứ ra tòa là có án.
Trong bối cảnh như vậy, việc Tòa án tỉnh Kontum tuyên vô tội, thực sự mở ra bước ngoặt cho nền tư pháp Việt Nam. Các luật sư đều thừa nhận: Thẩm phán thật dũng cảm.
Vụ án này cũng cho thấy vai trò của luật sư trong các vụ án hình sự. Sự tham gia của họ rõ ràng không thể thiếu trong giai đoạn tranh tụng dần trở thành thứ quyết định kết quả vụ án.
Share :