TRANH TỤNG HÌNH SỰ: 9 BƯỚC HÓA GIẢI BỨC CUNG. -Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -Khi bị hỏi cung, thử yêu cầu ghi hình và đọc lại bản cung.
Tại tòa, trong nỗ lực xoay chuyển tình thế kết tội, bị cáo thường nói bị điều tra viên bức cung. Ví dụ: Vụ án sửa điểm thi đại học ở Sơn La tháng 07/2018, bị cáo Trần Xuân Yến, cựu Phó GĐ Sở GD & ĐT Sơn La cho rằng ông không sửa điểm thi các thí sinh. Theo ông, điều tra viên ghi không đúng cái ông khai. Ông khai người ta “ nhờ xem điểm “ thì điều tra viên lại ghi “ nhờ nâng điểm “. Ở lần khai khác, ông thấy điều tra viên ghi không đúng và yêu cầu ghi lại, điều tra viên lại yêu cầu ông tự ghi bổ xung. Một số bản cung ông chép từ tài liệu do công an cung cấp. Một số lời cam kết trong các biên bản không phải do ông viết mà được đánh máy sẵn... Phiên tòa xử Vũ “ nhôm “ tháng 12/2018 cũng gặp diễn biến tương tự. Vũ “ nhôm “ cùng với Trần Phương Bình, Chủ tịch HĐQT DongA Bank, bị quy cấu kết chiếm đoạt 200 tỷ đồng và 13,4 triệu USD. Vũ “ nhôm “ cho rằng điều tra viên đã ép cung. Anh ta yêu cầu đối chất với Trần Phương Bình, đầu tiên điều tra viên không cho, sau đó khi anh ta có đơn lên Viện Kiểm sát Tối cao thì lại được cho phép. Theo Vũ, cách đối chất của điều tra viên chỉ là nhắc lại lời khai Trần Phương Bình và đây là cách sai lầm. Kết thúc buổi làm việc, anh ta bị ép ký, không được đọc lại biên bản. Người ta thường nói tới mấy từ: “ mớm cung “, “ bức cung “, “ dùng nhục hình “. “ Bức cung “ hiểu đại khái là điều tra viên dùng lời nói gây sức ép, hoặc tự ghi vào bản cung những nội dung theo như ý điều tra viên muốn. Những nội dung này khác xa sự thật. Giả định trường hợp bị cáo Trần Xuân Yến, nếu ông chỉ được “ nhờ xem điểm “, việc nâng điểm do ai đó làm, thì việc ghi “ nhờ nâng điểm “ của điều tra viên là bức cung. Trường hợp của Vũ “ nhôm “, sẽ là bức cung nếu điều tra viên ghi vào biên bản rằng sau khi đối chất, Vũ thừa nhận các nội dung ( như điều tra viên mong muốn ). Cũng phải thấy, luật pháp đã có quy định tiến bộ giảm thiểu mớm cung, bức cung, dùng nhục hình. Luật quy định là nếu bị can yêu cầu ghi âm, ghi hình quá trình khai báo thì điều tra viên phải chấp nhận. Tuy nhiên, việc này còn chờ một thời gian nữa mới hiện thực. Vấn đề là bị can, khi bị hỏi cung, làm gì để không bị bức cung? Một đồng nghiệp luật sư rất kinh nghiệm của người viết cho rằng: Bị can nên nhớ các chi tiết liên quan đến buổi hỏi cung, ví dụ: Nội dung các câu hỏi, nội dung bản cung điều tra viên ghi, tên tuổi người hỏi cung, câu hỏi mà họ đưa ra, cách mà họ ép cung thế nào, chỉ ra sự khác biệt giữa cái điều tra viên ghi trong bản cung và sự thật. Yêu cầu tòa triệu tập điều tra viên ra tòa cũng là cách nên tính đến. Ý kiến rất hay. Công nhận ý kiến này, có bổ xung một số nội dung khác, người viết xin đưa ra gợi ý tránh việc bị bức cung như sau: 1.Nên yêu cầu có luật sư trong các buổi làm việc với điều tra viên. 2.Đề nghị điều tra viên, nếu có thể thì ghi âm, ghi hình buổi làm việc. 3.Đề nghị điều tra viên giải thích rõ mình bị truy tố tội gì, dấu hiệu bắt buộc tội đó để xem mình có bị ép tội không. 4.Suy nghĩ để có được một mô hình gỡ tội, xây dựng các lời khai theo hướng ghỡ tội. 5.Đọc lại bản cung. Yêu cầu chỉnh sửa nội dung khác với lời khai. Nếu không, sẵn sàng không ký bản cung. 6.Khi kết thúc điều tra, yêu cầu cung cấp phô tô lời khai của mình và của người khác về mình. Đọc và tiếp tục, căn chỉnh, củng cố mô hình gỡ tội để trình bày cho kiểm sát viên, tòa. 7.Khi kiểm sát viên phúc cung, hãy khai lại theo hướng mình xác định. Tuyên bố không công nhận những lời khai nào không phù hợp. 8.Nhớ lại điều tra viên đã hỏi cung, nội dung bản cung, ngày lấy nếu có thể, cách điều tra viên ép cung... để sẵn sàng trình bày chi tiết ở tòa. 9.Khi ra tòa, yêu cầu triệu tập điều tra viên.