TRANH TỤNG HÌNH SỰ: 6 CÁCH ĐỂ KHI BỊ TẠM GIAM VẪN CÓ KẾT QUẢ XÉT XỬ TỐT NHÂT

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: 6 CÁCH ĐỂ KHI BỊ TẠM GIAM VẪN CÓ KẾT QUẢ XÉT XỬ TỐT NHÂT
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
  • Khi bị tạm giam, hãy trấn tĩnh, thích nghi và đừng quên phương án cải thiện tình trạng pháp lý
    Khi bị tạm giam, hãy trấn tĩnh, thích nghi và đừng quên phương án cải thiện tình trạng pháp lý
     Trong vụ cháu bé tử vong trên xe đưa đón của trường Gateway, bà Nguyễn Bích Quy, người có trách nhiệm đưa đón học sinh bị tạm giam. Việc bắt được luật sư của bà mô tả: Tầm 18.30 chiều ( 27/8/2019 ), chỉ nghe bà gọi điện thoại báo thấy công an đầu ngõ, người của văn phòng chạy đến thì đã thấy công an đọc lệnh bắt tạm giam rồi đưa đi.
     Một người bạn của người viết tham gia đánh bạc trên mạng. Toàn thua. Nửa năm sau, một hôm đang ở nhà ( Hà Nội ), bỗng thấy công an một tỉnh xuất hiện trước cửa và đọc lệnh bắt, đưa lên xe. Mất gần một tuần lễ, người nhà không biết bị giam ở đâu, nên làm gì, luôn trong tâm trạng lo lắng bất an, cuộc sống đảo lộn hết.
     Rồi nữa, một anh bạn khác của người viết dính vào một vụ đại án. Anh bị gọi hỏi toàn vào thứ Bảy, Chủ Nhật. Anh chỉ được coi là nhân chứng nên không sao. Có điều là khi đi ngang qua các phòng khác trong trụ sở công an, anh thấy vài người quen khác cũng đang bị thẩm vấn. Mấy người này khác anh, chỉ bị gọi hỏi một lần hôm đó. Sáng hôm sau là thứ Hai, xem báo mới thấy mấy người này đã bị bắt tạm giam. Hỏi người nhà thì chỉ thấy nói là sáng Chù Nhật, thấy nói có việc, đi bẵng đến chiều tối không về, rồi có một cú điện thoại thông báo là đã bị bắt, đề nghị mang những vật dụng cần thiết như quần áo, chăn... lên trụ sở công an đưa cho người nhà.
     Như vậy có thể thấy là việc tạm giam có thể diễn ra bất ngờ khiến người ta không kịp trở tay. Bản thân người nhà người bị tạm giam cũng sẽ rất sốc. Cái mà họ có thể làm chỉ là mang cho người sắp “ đi “ một bịch quần áo. Việc làm ăn bê trễ, các khoản nợ không được đòi, cha mẹ già không được chăm sóc, con cái không được đưa đi học, rồi điều tiếng xì xầm... Đây chắc chắn là cú đòn tâm lý nặng giáng vào người bị tạm giam.
     Cuộc sống sau chấn song hẳn cũng không dễ dàng gì. Chuyển từ cơm nhà sang “ cơm cân “ không dễ chịu. Luật ngầm luôn sẵn có trong trại giam. Tin nhà gần như bặt. Trong trại toàn thông tin tiêu cực. Tất cả những thứ này khiến người bị tạm giam quên sinh mạng pháp lý của mình. Họ có thể dễ dàng buông cuộc chiến  quan trọng nhất, đó là việc cải thiện tình trạng pháp lý, lấy lại những ngày tự do thông qua một kết quả vụ án có lợi cho họ.
     Cái mà người bị tạm giam nên làm:
1.Trấn tĩnh, lấy lại tinh thần. Mọi việc đã có guồng của nó. Những gì xáo trộn sẽ sớm bình thường trở lại. Chấp nhận đối mặt với cuộc sống trong trại giam và cuộc chiến pháp lý sắp tới.
2.Hiểu luật chơi trong trại tạm giam và nỗ lực thích nghi. Chỗ nào cũng có luật chơi và mục đích của nó là duy trì trạng thái cân bằng. Vì vậy, nó được đặt ra đủ phù hợp để ai cũng có thể thích nghi.
3.Hình dung tình huống vụ án mà mình vướng phải. Suy đoán và có được mô hình tự bảo vệ thích hợp. Nếu mọi việc rõ ràng và chỉ chờ ngày tuyên án, vẫn có thể nêu tình tiết giảm nhẹ. Còn nếu cơ quan điều tra vẫn phải làm rõ nhiều điều, hãy nhớ không cần phải khai những cái chống lại mình.
4.Tận dụng tốt các buổi làm việc với điều tra viên. Yêu cầu điều tra viên giải thích điều luật áp dụng với mình. Cụ thể: Điều luật đó bắt buộc phải chứng mình hành vi gì? Mức cao nhất có thể áp dụng? Nhớ là có thể từ chối khai cái chống lại mình. Hãy hỏi xem việc điều tra sắp xong chưa.
5.Khi kết thúc điều tra, hãy yêu cầu được cung cấp bản phô tô lời khai của mình và lời khai của những người khác về mình. Điều này tốt cho quá trình chuẩn bị xét xử.
6.Khi có thông tin đầy đủ về hồ sơ vụ án, qua cơ quan điều tra cung cấp theo luật hoặc qua luật sư, hãy hình thành mô hình tự bào chữa thích hợp. Tham khảo những người cùng buồng giam đã trải qua việc xét xử nếu có thể.