TRANH TỤNG HÌNH SỰ: 5 BƯỚC THỰC HIỆN QUYỀN IM LẶNG

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: 5 BƯỚC THỰC HIỆN QUYỀN IM LẶNG
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Từ chối khai báo không làm mọi việc xấu đi.
    Từ chối khai báo không làm mọi việc xấu đi.
    Phim hành động Mỹ được chiếu lan tràn ở Việt Nam khiến người ta biết cái gọi là “ quyền im lặng “. Khi bắt nghi phạm, cảnh sát Mỹ thông báo cho anh ta biết mấy câu rườm rà sau: " Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư ". Ý mấy câu trên là do anh có thể khai cái này cái khác, trong đó có cái được dùng buộc tội anh, nên anh cần có luật sư khi khai, nếu không có luật sư thì anh không cần khai gì. Một nội dung quan trọng khác, đó là khi không đọc mấy câu rườm ra nói trên mà vẫn lấy lời khai nghi phạm, cả quá trình điều tra tiếp theo có thể bị hủy bỏ. Điều này khiến quyền im lặng có ý nghĩa. Cái tạo nên điều này là sự độc lập của tòa án với cơ quan điều tra. Tòa sẵn sàng hủy kết quả điều tra, tuyên không thể buộc tội, tức là vô tội, nếu thấy cách làm cơ quan điều tra là vi phạm pháp luật.
    Ở Việt Nam, thực sự vẫn có quyền im lặng, nhưng không rộng như Mỹ.
    Ở Việt Nam, quyền im lặng chỉ gồm việc từ chối khai cái có thể dùng để buộc tội mình. Ví dụ, một tay ăn cắp bị bắt khi đang cố lấy xe máy người khác. Người ta sẽ hỏi y đây là cái xe thứ mấy y lấy. Nếu y nói là cái xe thứ hai, người ta sẽ hỏi về cái xe thứ nhất, rồi đi truy tìm cái xe đó, thông báo tìm người mất xe… Như vậy, toàn bộ quá trình điều tra sẽ được tiến hành dựa trên lời khai nhận của y. Nếu y nói y không khai về những tài sản khác y đã lấy, vì điều đó có thể khiến y bị buộc thêm tội, điều này nghĩa là y đã thực hiện quyền im lặng.
    Ở Việt Nam, đến giờ thì các cuộc đi cung cơ bản không có luật sư tham dự. Vì vậy, việc từ chối khai cái có thể dùng để buộc tội mình không được bị can, người bị tình nghi, bị gọi hỏi hiểu và thực hiện. Người ta vẫn dễ bị hai chữ “ thành khẩn “ dụ. Như ví dụ về gã ăn trộm trên kia, nếu y thành khẩn, tức là khai chiếc xe thứ nhất,  y sẽ bị trừng phạt nặng hơn, còn nếu y thực hiện quyền im lặng, chưa hẳn người ta đã biết để kết tội y. Việc thực hiện quyền im lặng, nghĩa là không khai gì để có thể buộc tội cho mình, nếu không làm tốt lên tình trạng của bị can, thì chí ít cũng không làm xấu đi tình trạng đó.
    Một số lời khuyên của các luật sư để thực hiện tốt quyền im lặng:
    1.Hỏi xem mình bị khởi tố, gọi hỏi, tình nghi phạm tội gì? Đề nghị giải thích quy định pháp luật về tội đó.
    2.Đối chiếu cái mình đã làm và quy định pháp luật về tội mà công an khởi tố, gọi hỏi. Hình dung trong đầu những cái mà nếu khai, sẽ tự gây rắc rối cho chính mình.
    3.Hỏi xem đã có camera quay cảnh lấy cung chưa. Nếu có nhất định yêu cầu phải có camera quay khi cán bộ điều tra làm việc.
    4.Nói với điều tra viên rằng không khai những gì chống lại mình. Nên nhớ “ thành khẩn “ không làm giảm đáng kể hình phạt.
    5.Nói với điều tra viên về việc thuê luật sư bảo vệ mình, chỉ khai khi có luật sư sau khi đã trao đổi với luật sư.
...v.v...
    Tóm lại, quy định quyền im lặng kiểu Việt Nam hẳn là một bước tiến dài của pháp luật. Vấn đề là người trong cuộc có đủ tỉnh táo, khéo léo, vững vàng thực hiện không.