TRANH TỤNG HÌNH SỰ: 12 CÁCH ĐỂ BỊ CÁO TRANH LUẬN TỐT VỚI VIỆN KIỂM SÁT

TRANH TỤNG HÌNH SỰ: 12 CÁCH ĐỂ BỊ CÁO TRANH LUẬN TỐT VỚI VIỆN KIỂM SÁT
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương -
     Khi ra tòa, luật cho bị cáo quyền tranh luận. Nếu không có luật sư ( mà đa số vụ xử ở Việt Nam người ta không có luật sư vì đủ lý do ), bị cáo thường bỏ qua phần này. Không ổn lắm! Một số bị cáo, đặc biệt trong các vụ án kinh tế lớn, nỗ lực tranh luận với Viện Kiểm sát. Họ làm đúng! Tuy vậy, như người viết theo dõi, họ làm chưa đủ. Phan Văn Anh Vũ chỉ ra Viện Kiểm sát muốn buộc tội phải làm được điều này điều kia. Anh ta nên chỉ ra anh ta không phạm tội A vì lý do 1 – 2 – 3 – 4. Phạm Công Danh nói năng hùng hồn. Cái cần nói thì chẳng thấy đâu. Hà Văn Thắm quá thông minh. Anh ta cũng không chỉ ra được lập luận buộc tội anh ta vô lý ở chỗ nào…
     Để có thể tranh luận ra hồn, người viết đề xuất một vài điều sau:
1.Bị cáo nên yêu cầu được cung cấp các bản cung liên quan đến mình: Khi nhận kết luận điều tra, luật cho bị cáo quyền yêu cầu điều tra viên photo các bản cung liên quan đến mình.
2.Bị cáo nên hiểu cách người ta buộc tội mình: Cụ thể mình bị buộc tội gì? Tại sao tội đó? Dựa vào tình tiết nào của vụ án? Nếu có luật sư, luật sư sẽ trợ giúp cho bị cáo hiểu.
3.Tìm ra vấn đề của việc buộc tội: Cũng sẽ tốt hơn nếu bị cáo có luật sư. Bị cáo cũng nên thử xem việc buộc tội có khiên cưỡng không? Ví dụ: Giá của vật bị trộm có bị định giá quá cao không? Có đúng vật được mô tả là vật bị trộm không? Người khác khai cho mình đúng không? .v.v…
4.Bác bỏ việc buộc tội: Chỉ ra việc buộc tội dựa trên nội dung sai lầm, đánh giá tình tiết sai, thiếu nội dung quan trọng. Cơ bản không cần nói ai đó làm lệch hồ sơ vụ án, bức cung hay dùng nhục hình.
5.Chứng minh điều ngược lại với việc buộc tội: Nếu có thể, cung cấp chứng cứ trực tiếp chỉ ra mình vô tội.
6.Ra tòa, xin giấy bút và được ghi chép.
7.Nếu cần, đề nghị Viện Kiểm sát nhắc lại ý buộc tội.
8.Nói ngắn: Chỉ ra cái mình cần nói. Giải thích tại sao nói vậy.
9.Nhắc lại cái mình muốn nói: Đầu tiên nói cái cần nói. Giải thích tại sao nói vậy. Rồi “ tóm lại “ bằng cách nói vì lý do 1,2,3,4 nên tôi khẳng định lại tôi không làm việc như Viện Kiểm sát mô tả.
10.Giữ giọng nhẹ nhàng, không đôi co, bốp chát. Không “ bác bỏ “ Viện Kiểm sát mà mong “ quý Viện xem lại “, mong “ quý Tòa cứu xét “.
11.Yêu cầu chiếu cố hoàn cảnh riêng: Nếu có khó khăn trong cuộc sống, có vấn đề sức khỏe… hãy trình bày và mong “ quý Tòa cứu xét “.
12.Những gì Viện Kiểm sát nói là đúng, hãy thừa nhận. Nếu thực sự sai lầm, hãy nói với tòa mình nhận thức được điều đó.