TRANH TỤNG DÂN SỰ: TRUNG TÂM HÒA GIẢI, CƠ HỘI GIẢI QUYẾT VIỆC NHANH.
TRANH TỤNG DÂN SỰ: TRUNG TÂM HÒA GIẢI, CƠ HỘI GIẢI QUYẾT VIỆC NHANH.
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương -
Tháng 11/2018 có thông tin tích cực ở các tòa án: Trung tâm hòa giải tại tòa được thành lập. Hiện có 16 trung tâm như vậy ở Hà Nội. Ở Cần Thơ có 6 trung tâm. Đà Nẵng có 6 trung tâm. Thành phố Hồ Chí Minh có 10 trung tâm. Phó Bí thư thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang tham gia trung tâm hòa giải. Ngay lập tức, trung tâm nhận được 200 vụ và sẽ có 655 vụ nữa được chuyển trong thời gian sắp tới.- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương -
Trong việc kiện cáo, hòa giải là từ nghe rất quen. Hòa giải được khuyến khích. Bộ luật Tố tụng Dân sự có quy định: Tòa sẽ công nhận việc hòa giải của các Bên bằng quyết định của tòa. Như vậy, việc hòa giải sẽ được đảm bảo thi hành như án tòa tuyên.
Có điều là ít có vụ án dân sự, kinh tế, hành chính nào các bên tự hòa giải. Đã ra tòa, người ta muốn theo tới cùng, sơ thẩm không xong lên phúc thẩm, rồi giám đốc thẩm, cấp nào cũng đi. Lý do cho chuyện này thì nhiều. Một trong các lý do có lẽ là xưa nay thiếu cơ chế hòa giải. Ngay cả khi việc hòa giải xong xuôi nhưng một bên bội tín, việc đi tiếp thế nào cũng khá rắc rối.
Với sự ra đời các trung tâm hòa giải tại tòa án, cơ chế hòa giải bước đầu hình thành. Các trung tâm cần vận hành. Ngay cả khi vào guồng, các trung tâm thực chất mới chỉ là cỗ máy thí nghiệm. Trên cơ sở thí nghiệm, người ta sẽ ban hành Luật Hòa giải tại tòa án.
Dù sao, tạo cơ chế hòa giải là bước đi quan trọng trong xét xử. Người có việc dân sự, kinh tế, hành chính, hôn nhân khi ra tòa sẽ có cơ hội được giải quyết nhanh. Một người bạn luật sư của người viết, tham gia trung tâm hòa giải TAND quận Hai Bà Trưng, nói anh được giao trong 20 ngày phải xong một vụ hòa giải. Có nghĩa là: Khi đơn khởi kiện được nộp cho tòa, hòa giải – đối thoại viên có 20 ngày tìm hiểu vụ việc, gọi các bên lên, bố trí gặp mặt và hòa giải. Nếu hòa giải thành công có lẽ tòa sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành. Nếu hòa giải thất bại, tòa sẽ thụ lý vụ án dân sự, rồi một quá trình gồm sơ thẩm, phúc thẩm.
Nếu hòa giải thành, các Bên tránh được chi phí tốn kém. Nếu để tòa xử, các Bên phải nộp trước một khoản tiền gọi là tạm ứng án phí cho mỗi lần đòi tiền đòi đất. Rồi các loại chi phí khác, như giám định, định giá, đăng báo, đóng băng tài khoản… Nói chung, ngay cả khi có một kết quả có lợi, bên thắng cuộc mới chỉ có bản án trên giấy, tiền chưa thấy đâu, thấy mất một loạt khoản.
Sự ra đời của các trung tâm hòa giải cũng là dịp để các luật sư đóng vai nhà thương thuyết. Người có việc ra tòa nên để luật sư đánh giá cơ hội thắng – thua. Việc tập huấn đối thoại, đưa ra yêu sách cũng là việc mà luật sư có thể giúp khách hàng khi hòa giải tại trung tâm.
Share :