TRANH TỤNG DÂN SỰ: THU THẬP CHỨNG CỨ TRONG TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI NHƯ THẾ NÀO?

TRANH TỤNG DÂN SỰ: THU THẬP CHỨNG CỨ TRONG TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI NHƯ THẾ NÀO?
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội. Bài viết có tính tham khảo, không phải là lời tư vấn chính thức –
     Trong tranh tụng dân sự về đất đai, việc thu thập chứng cứ rất quan trọng. Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.Thu thập chứng cứ trong tranh chấp đất đai là áp lực với các bên và luật sư, quyết định thắng thua trong tranh tụng dân sự.
Vậy, trong tranh tụng dân sự về đất đai, chứng cứ nên được thu thập như thế nào? Theo những người phân xử các tranh chấp đất đai ( tức thẩm phán ), chứng cứ nên thu thập theo hướng:
  • Thứ nhất: Xác định nguồn gốc sử dụng đất. Tức là: Đất do phá hoang, lấn chiếm, thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi? Việc thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi có đúng tinh thần pháp luật không? Hay nói cách khác có đảm bảo sự tự do, tự nguyện, bình đẳng, minh mẫn… giữa các bên khi tiến hành thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi không?
  • Thứ hai: Làm rõ quá trình sử dụng đất. Tức là: Ai đang trực tiếp sử dụng? Thời gian sử dụng? Lịch sử sử dụng? Điều này được xác định bằng nhiều cách, có thể thông qua việc lấy lời khai đương sự, tổ chức phiên họp hòa giải, đối chất giữa các đương sự. Nếu có mâu thuẫn thì tiến hành xác minh, lấy lời khai của những người sống lân cận, lâu năm gần đất tranh chấp như người lớn tuổi còn minh mẫn, trưởng thôn, phố, ấp nơi xảy ra tranh chấp; cán bộ địa chính qua các thời kỳ, người khai phá, người tặng cho, người trao đổi…
  • Thứ ba: Quá trình kê khai, đăng ký đất qua từng thời kỳ. Tức là: Ai là người kê khai, đăng ký qua từng thời kỳ? Có chênh lệch diện tích không? Tài liệu tại Văn phòng Đăng ký Đất đai, Phòng Địa chính … có không?
  • Thứ tư: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra như thế nào? Tức là: Việc cấp có đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, đối tượng không? Việc này thực hiện qua Văn phòng Đăng ký Đất đai cấp huyện hoặc tỉnh. Đương sự, luật sư, thẩm phán thụ lý có thể gửi văn bản yêu cầu Ủy ban Nhân dân cùng cấp hỏi ý kiến về quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Câu hỏi nên rõ ràng. Ví du: Đề nghị cho biết quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra như thế nào? Đề nghị cung cấp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?... Để Ủy ban có cơ sở phúc đáp, nên gửi kèm theo tài liệu chứng cứ về nguồn gốc đất, quá trình kê khai, quá trình sử dụng đất … như trên.
     Lẽ nhiên, trong tranh tụng dân sự về đất đai, tùy mỗi vụ sẽ có một cách thu thập chứng cứ. Đặc biệt, nếu đương sự có chứng cứ trong tay, việc phối hợp với luật sư để chủ động hợp thức hóa chứng cứ ( ví dụ dùng thừa phát lại ) và nhất là tung chứng cứ ra vào thời điểm nào là rất cần thiết. Luật sư cũng sẽ có cách phân tích, phản biện chứng cứ đối phương tung ra một cách phù hợp nhất. Một kế hoạch chứng cứ hợp lý sẽ đảm bảo chiến thắng trong tranh tụng dân sự.