TRANH TỤNG DÂN SƯ: NHÀ NƯỚC MỞ RỘNG BỒI THƯỜNG. DÂN HI VỌNG

TRANH TỤNG DÂN SƯ: NHÀ NƯỚC MỞ RỘNG BỒI THƯỜNG. DÂN HI VỌNG
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương -
     Hiện tại, việc nhà nước bồi thường oan sai được mở rộng.
     Từ 01/07/2018, Luật Trách nhiệm Bồi thường Nhà nước có hiệu lực. Theo luật, không cần người bị thiệt hại yêu cầu, nhà nước có thể chủ động bồi thường.
     Giả định một người nào đó đang đi đường, nạn nhân một vụ cướp cho rằng anh ta đã thực hiện vụ cướp và báo công an. Công an giữ người đó. Qua điều tra biết được anh ta không cướp. Anh ta có thể được bồi thường.
     Nếu một công ty kinh doanh karaoke, nhân viên công ty lợi dụng địa điểm kinh doanh để tổ chức sử dụng ma túy, công ty lại bị cấm kinh doanh. Công ty có thể được bồi thường nếu việc bị cấm kinh doanh là sai.
     Trong một vụ ly hôn, nếu người chồng có một số cổ phiếu tên mình, người vợ muốn ngăn chồng tẩu tán tài sản chung nên yêu cầu tòa phong tỏa không cho người chồng bán cổ phiếu đó, nhưng tòa lại không làm và cũng không có lý do hợp lý, người vợ cũng có thể được bồi thường.
     Thời hiệu yêu cầu bồi thường cũng được nâng từ 02 lên 03 năm.
     Người bị thiệt hại có thể được chấp nhận nhiều loại chi phí rộng rãi: Chi phí thuê phòng nghỉ, in tài liệu, gửi đơn thư, đi lại thăm thân, chi phí luật sư…
     Luật mới cũng định ra: Tòa án được tham gia giải quyết nếu tranh chấp trong bồi thường. Trước đây thì việc bồi thường chỉ có cơ quan đã làm sai giải quyết. Nay, chỉ cần có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại đã có thể đâm đơn ra tòa.
     Nói chung, đây là nấc thang mới trong quan hệ nhà nước – công dân. Việc bồi thường được mở rộng. Hy vọng từ đây, việc bồi thường mở rộng hơn nữa cho các thiệt hại, ví dụ như chậm giải quyết các vụ án, hay các yêu cầu công dân, chậm cấp các giấy tờ không có lý do chính đáng.