TRANH TỤNG DÂN SỰ - KINH TẾ: THẮNG ĐỪNG MỪNG
TRANH TỤNG DÂN SỰ - KINH TẾ: THẮNG ĐỪNG MỪNG
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Văn phòng Luật sư Chương Dương -
Trong việc kiện cáo, thắng sơ thẩm chẳng nghĩa lý gì.- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Văn phòng Luật sư Chương Dương -
Vụ Vinasun và Grab cũng vậy.
Đầu 2018, Vinasun – công ty taxi – kiện Grab ra tòa thành phố HCM. Grab là công ty công nghệ tập hợp những người có xe, khi người có nhu cầu gọi xe, công ty sẽ điều xe ở nơi gần nhất đến. Lợi thế của Grab là giá cả phải chăng, lộ trình minh bạch, dễ gọi… Vinasun cho rằng mình bị thiệt hại. Công ty Cửu Long, một đơn vị có chức năng định giá, xác định: Grab gây thiệt hại cho Vinasun 85,9 tỷ. Vinasun kiện đòi thiệt hại này.
Ngày 28/12/2018, TAND tp HCM ra phán quyết: Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.
Với Vinasun, đây là một chiến thắng. Họ đạt được mục tiêu chính là quy kết Grab có lỗi. Điều này nghĩa là Grab và nhiều công ty công nghệ có thể phải gánh các vụ kiện tương tự. Cơ hội bị quét khỏi thị trường không phải nhỏ.
Chiến thắng hẳn đem lại tiếng tăm cho đội luật sư của Vinasun. Tuy nhiên khi bản án được công bố, người ta đã lo ngại về cách tính thiệt hại.
Lo ngại này có cơ sở. Mới đây, VKS cấp cao đã ra kháng nghị bác toàn bộ bản án. Một số lý do quý Viện nại ra:
-Kết luận thiệt hại công ty định giá đưa ra là không đúng. Công ty mất doanh thu có thể do năng lực quản lý chính công ty, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải, tình hình thị trường…
-Không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả được gán cho Grab. Hành vi của Grab – vận chuyển hành khách – là hợp pháp. Doanh thu của Vinasun do chính người tiêu dùng quyết định. Nếu người tiêu dùng lựa chọn Grab, không thể coi Grab có lỗi.
-Có tới 9 đơn vị khác cùng cạnh tranh với Vinasun. Thiệt hại nếu có cần phải tính đến tác động của họ.
-Những thứ như tài xế không đeo phù hiệu, niêm yết tên, số điện thoại…, vi phạm an toàn giao thông, không có hợp đồng vận chuyển, danh sách xe… không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của Vinasun.
.v.v…
Thực sự thì sự can dự của quý Viện vào quá trình thẩm định chuyên môn là đặc thù của Việt Nam. Quý Viện có thói quen đưa ra kết luận về những thứ không thuộc chuyên môn của mình. Trừ mỗi giám định tâm thần hay mổ tử thi, thường thấy quý Viện bình luận gì đó về kết quả kiểm toán, quy trình khám chữa bệnh, tốc độ và khoảng cách xe, trích lập dự phòng… Biết làm sao! Luật cho phép quý Viện làm vậy. Một điều nữa, sau phiên sơ thẩm, có lẽ Vinasun dính hiệu ứng “ lộ đòn “. Là nguyên đơn, họ phải đưa ra yêu cầu và chứng minh cho yêu cầu. Họ phải tung hết “ đòn “ từ sơ thẩm. Vụ này, họ phải thuê công ty định giá xác định thiệt hại. Họ phải trình văn bản định giá cho tòa và thông báo bị đơn. Bị đơn thì chỉ cần chờ nguyên đơn đưa chứng cứ và phản bác. Cũng có thể, Grab chờ lên phúc thẩm mới tung đòn nặng ký vào điểm yếu của đối phương. Sẽ ra sao nếu họ cũng thuê một công ty định giá có tiếng để phản bác kết luận đối phương đưa ra?
Diễn biến phúc thẩm vụ này thật đáng chờ đợi. Không loại trừ vụ này sẽ kéo vài vòng sơ thẩm – phúc thẩm nữa.
Share :