TRANH TỤNG DÂN SỰ, KINH TẾ: 6 ĐIỀU NÊN LÀM RÕ KHI LÀM ĂN CHUNG
TRANH TỤNG DÂN SỰ, KINH TẾ: 6 ĐIỀU NÊN LÀM RÕ KHI LÀM ĂN CHUNG
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Làm ăn chung trong thời gian ngắn cần thỏa thuận bằng văn bản
Quan điểm của người viết là bỏ ra một đồng cũng nên lập thành văn tự. Mất lòng trước, được lòng sau. Làm ăn cần tính toán. Nếu không lời lãi gì thì cũng có trải nhiệm cho những lần sau.
Quy định pháp luật về vấn đề này rất chung chung. Ví dụ, Luật Đầu tư 2014 quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Nội dung hợp đồng được luật chỉ ra:
-Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
-Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
-Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
-Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
-Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
-Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
-Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
Thực tế, việc chung vốn làm ăn có thể bị chi phối bởi nhiều luật khác nhau. Một luật sư tốt, với kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, cũng có thể đưa vào hợp đồng một số nội dung giúp các bên tránh rắc rối. Một vài lưu ý khi lập hợp đồng này:
1.Tên gọi: Tên gọi có thể đa dạng, ví dụ: Thỏa thuận kinh doanh, thỏa thuận cùng làm ăn chung, hợp đồng hợp tác kinh doanh, cam kết kinh doanh .v.v...
2.Địa chỉ các bên: Địa chỉ nên là nơi có thể xác định, ví dụ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi các bên đang ở có thể được công an, chính quyền địa phương xác nhận. Nên có các phụ lục là các văn bản có xác nhận địa chỉ các bên của công an, chính quyền địa phương. Các bên ghi trong hợp đồng là địa chỉ này dùng để giải quyết tranh chấp nếu có.
3.Xác định thời gian bắt đầu và chấm dứt làm ăn chung.
4.Xác định phần vốn góp mỗi bên. Việc góp vốn nên lập thành văn bản và văn bản này nên coi là phụ lục hợp đồng. Xác định cách thức chi tiêu, các vấn đề như quyền quyết định chi tiêu, nghĩa vụ công khai chi tiêu, cách giám sát khoản chi...nên được thỏa thuận.
5.Xác định các hoạt động kinh doanh có thể được tiến hành. Nếu cần, lập một phụ lục là lộ trình tiến hành, cách thức giám sát các hoạt động này.
6.Xác định cách chia lời, gồm thời điểm chốt lời, nguyên tắc tính lãi, cách phân chia lãi...Việc chia lãi nên được thể hiện bằng giấy biên nhận, phiếu chuyển tiền...
Mỗi trường hợp cùng kinh doanh sẽ có những nội dung khác nhau. Nói chung các bên nên có luật sư tư vấn khi tiến hành kinh doanh kiểu này.
Share :