TRANH TỤNG DÂN SỰ: ĐỐI PHÓ VỚI VIỆC VAY TIỀN MẤT NHÀ

TRANH TỤNG DÂN SỰ: ĐỐI PHÓ VỚI VIỆC VAY TIỀN MẤT NHÀ
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
     Hiện tại, có quá nhiều vụ cho mượn Sổ Đỏ mất nhà. Một người muốn vay tiền. Người khác cho vay. Chủ nợ yêu cầu con nợ mang Sổ Đỏ đến. Cả hai ra phòng công chứng. Con nợ được yêu cầu ký, điểm chỉ vào một loạt giấy tờ. Sau đó, con nợ nhận được giấy triệu tập của tòa án. Đến tòa, con nợ mới biết nhà – đất của mình đã được thế chấp tại ngân hàng. Người vay ngân hàng là người nào đó mình không biết. Không được trả nợ, ngân hàng kiện người này ra tòa và yêu cầu xử lý tài sản thế chấp. Nghĩa là nhà – đất sẽ được bán đấu giá trừ nợ. Hóa ra, loạt giấy tờ mà con nợ ký, điểm chỉ tại phòng công chứng có nội dung là: Ủy quyền cho chủ nợ toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nhà – đất. Chủ nợ thế chấp tại ngân hàng, đúng thỏa thuận.
     Tranh chấp này có mấy nguyên nhân:
-Con nợ thiếu hiểu biết.
-Có dấu hiệu móc ngoặc giữa chủ nợ và công chứng viên. Vì vài triệu tiền phí, một số kẻ biến văn phòng công chứng thành cái bẫy. Giấy giấy tờ tờ làm rối mắt con nợ. Đáng lý ra phải hỏi và giải thích cặn kẽ, đảm bảo con nợ tự nguyện, minh mẫn khi ký giấy tờ.
-Ngân hàng muốn đẩy tín dụng hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Ngân hàng cũng có thể kiểm tra người có tên trên Sổ Đỏ có thực sự muốn thế chấp nhà – đất cho người khác không.
-Pháp luật thiếu rõ ràng.
     Nguyên nhân cuối được giải thích: BLDS quy định về thế chấp: Việc một người dùng tài sản của mình đảm bảo khoản vay cho người khác. Khi người kia không trả được nợ, tài sản thế chấp sẽ được xử lý trừ nợ. Người thế chấp vẫn được dùng tài sản của mình. Nếu là nhà – đất, người cho vay – ví dụ các ngân hàng – sẽ giữ Sổ Đỏ. Việc thế chấp Sổ Đỏ phải được công chứng viên ghi nhận và được đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch đảm bảo. Khi có kiện cáo, ví dụ ngân hàng kiện con nợ, tòa tuyên ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp, tức là chủ động làm việc với cơ quan thi hành án để đấu giá nhà – đất.
     Thực tế thì ngoài ngân hàng ra, các tổ chức, cá nhân cho người khác vay tiền ít khi nhận thế chấp đúng nghĩa, tức là làm hợp đồng thế chấp tại công chứng, đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch đảm bảo. Khi có tranh chấp, tòa cũng khó lòng tuyên người nhận thế chấp – không phải ngân hàng – được xử lý tài sản thế chấp. Cơ quan thi hành án cũng khó có thể tiếp nhận và tổ chức đấu giá tài sản thế chấp cho người nhận thế chấp – không phải ngân hàng. Vì vậy, chắc nhất, tổ chức, cá nhân không phải ngân hàng khi cho vay, thường đòi hỏi người vay đem Sổ Đỏ ra phòng công chứng làm ủy quyền chiếm hữu – sử dụng – định đoạt. Một lời hứa hẹn là sẽ hủy ủy quyền, trả lại Sổ Đỏ được đưa ra. Rủi ro là ngay khi nợ nần được trả đủ, nhà – đất vẫn bị “ cắm “ tại ngân hàng cho khoản vay của kẻ nào đó.
     Giải pháp giảm rủi ro là người đi vay và người cho vay, nếu lựa chọn làm ủy quyền chiếm hữu – sử dụng – định đoạt nhà – đất tại phòng công chứng và trao Sổ Đỏ cho người cho vay, thì nên lập một văn tự khác ở văn phòng luật sư, theo đó khẳng định việc ủy quyền và đưa Sổ Đỏ cho người cho vay chỉ nhằm thay thế việc thế chấp, và phải có nội dung ràng buộc: Không dùng Sổ Đỏ thế chấp cho khoản vay của người thứ ba.