TRANH TỤNG DÂN SỰ: ĐỔI HỘ KHẨU LẤY ĐẤT – PHÁN XỬ VÀ CƠ HỘI

TRANH TỤNG DÂN SỰ: ĐỔI HỘ KHẨU LẤY ĐẤT – PHÁN XỬ VÀ CƠ HỘI
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương –
     Người đòi phần nhà – đất hay nại ra: Anh/chị ta có tên trong Sổ Hộ khẩu.
     Chủ hộ cũng hay sợ: Cho “ nó “ nhập khẩu có ngày mất nhà.
     Thực tế cho thấy chẳng cần sợ vậy. Có tên hộ khẩu vẫn cứ có thể không có phần.
     Báo Pháp Luật tp Hồ Chí Minh online, ngày 26/7/2018, có bài: “ Cháu nuôi kiện cô đòi chia tiền vì … có tên trong hộ khẩu “ ( link: http://plo.vn/phap-luat/chau-nuoi-kien-co-doi-chia-tien-vi-co-ten-trong-ho-khau-784258.html ). Một người phụ nữ nhận nuôi đứa cháu khi cháu 10 tuổi. Sau này nhà nước cấp Sổ Đỏ đất tên cô. Bà này được bồi thường 800 triệu đồng khi giải tỏa làm đường. Anh cháu, lúc này đã ở riêng, quay lại đòi phần vì có tên trong Sổ Hộ khẩu. Tòa xử anh thua kiện. Lý do: Không chứng minh được là người đồng sử dụng đất, không có chứng cứ đã bỏ tiền bồi bổ, tôn tạo đất.
Lịch sử Sổ Hộ khẩu ở Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ. Nghị định 4 – HĐBT 07/1/1988 xác định người có tên trong hộ khẩu là người có quan hệ gia đình ( bố, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em … ), quan hệ thân thuộc trong 1 nhà, 1 phòng. Nghị định 51 – CP 10/5/1997 mở rộng cả với người khác được chủ hộ đồng ý cho nhập khẩu. Luật Cư trú 2013 xác định hộ khẩu có thể có tên của người thân trong gia đình, hoặc người thường trú ( tức người có chỗ ở hợp pháp đã tạm trú tại địa bàn 1 năm trở lên ).
     Các văn bản trên đều khẳng định: Hộ khẩu chỉ liên quan đến việc cư trú.
     Liên quan đến quyền sở hữu – sử dụng với nhà – đất, người được chia phần nhà – đất phải là người hoặc cùng bỏ tiền mua nhà – đất đó, hoặc có công tôn tạo, làm tăng giá trị nhà – đất.
     Như vậy, cơ bản thì tên trong hộ khẩu không có nghĩa là có phần với nhà – đất.
     Vậy trường hợp nào người có tên trong hộ khẩu hi vọng được chia phần? Theo chúng tôi, những người như anh cháu trên kia vẫn nên hi vọng nếu:
  • Sổ Đỏ ghi cấp cho hộ gia đình.
  • Sổ Đỏ ghi cấp cho cá nhân, hoặc ông bà nào đó. Nhưng đất có nguồn gốc sử dụng liên quan tới việc một người được nhập khẩu. Ví dụ, ông A bà B có con trai. Họ sống trong một diện tích nhà - đất. Anh con trai lấy vợ. Vợ anh nhập khẩu vào nhà anh. Vì thêm một người nữa nên địa phương cấp cho ông A bà B một suất đất giãn dân. Ông A bà B đi làm Sổ Đỏ. Sổ Đỏ ghi đất thuộc ông A bà B. 
  • Người có tên trong Sổ Hộ khẩu chứng minh mình thực sự tu bổ, tôn tạo nhà – đất. Lẽ nhiên, như trường hợp anh cháu trên kia, chứng minh điều này không dễ. Anh khó lòng chìa được ra hóa đơn đổ đất, mua vật liệu… từ cả chục năm trước. Nhưng ít ra, ở tòa, anh cần kể câu chuyện của mình. Ví dụ khi đổ đất tôn nền, hay làm nhà, anh bao nhiêu tuổi, đang làm gì, tham gia tu bổ, tôn tạo nhà ra sao… Việc đối chất với bà cô, có thẩm phán tham gia, thực sự là cơ hội chứng minh tốt.
     Nói chung, người có tên trong Sổ Hộ khẩu phải chứng minh nhiều điều nữa mới mong có phần nhà – đất.