TRANH TỤNG DÂN SỰ: CÁCH NHẬN ĐƯỢC TIỀN BẢO HIỂM KHI RƠI VÀO TÌNH THẾ BẤT LỢI PHÁP LÝ

TRANH TỤNG DÂN SỰ: CÁCH NHẬN ĐƯỢC TIỀN BẢO HIỂM KHI RƠI VÀO TÌNH THẾ BẤT LỢI PHÁP LÝ
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Lấy được tiền từ bảo hiểm không dễ
Nhãn
   Công ty bảo hiểm có nhiều kinh nghiệm. Họ cũng có đội ngũ luật sư, chuyên gia sắc sảo. Câu chữ hợp đồng bảo hiểm như muốn biến người đọc thành kẻ ngốc. Khi có việc cần bảo hiểm, công ty bảo hiểm hay bắt lỗi người mua bảo hiểm, dồn họ vào thế yếu. Từ đó chỉ trả một phần, thậm chí không trả tiền bảo hiểm.
    Tuy vậy, người mua bảo hiểm, nếu kiên trì đòi quyền lợi, vẫn có thể nhận được lợi ích thỏa đáng. Vụ án dân sự dưới đây là ví dụ.
     Bà Trương Thị H. ký hợp đồng bảo hiểm tử kỳ với công ty bảo hiểm C. Theo hợp đồng, bà H. phải kê khai trung thực tình trạng sức khỏe, nếu không, công ty có thể từ chối trả bảo hiểm. Sau khi bà H. qua đời, chồng bà – ông L yêu cầu công ty trả khoảng 400 triệu theo hợp đồng. Công ty chỉ chấp nhận trả 50 triệu đồng. Ông L. và công ty đã làm việc và có văn bản, theo đó, ông chấp nhận việc công ty chỉ trả 50 triệu, cam kết không kiện cáo gì. Vụ việc tưởng đóng lại. Ông L. yếu thế rõ.
    Sau khi nghĩ lại, ông L. quyết kiện công ty ra tòa, đòi nốt số tiền.
    Tại tòa, luật sư và chuyên viên pháp lý của công ty đều cho rằng:
-Bà H. không kê khai trung thực tình trạng sức khỏe. Bà có bệnh đau dạ dày, nhưng lại nói không có bệnh. Công ty đưa ra chứng cứ là bệnh án bệnh viện B., nơi bà H. khám, kết luận bà đau dạ dày. Trong khi đó, khi công ty hỏi bà ( trong bảng kê khai ) là có bị “ rối loạn tại dạ dày “ không? Bà trả lời là “ Không “.
-Công ty cũng đã hỏi là bà đã từng đi chụp X-quang, siêu âm, điện tim, sinh thiết … chưa? Bà trả lời “ chưa “. Nhưng công ty lại tìm được kết quả sinh thiết của bà H. khi bà khám định kỳ, cho thấy mỡ máu tăng. Như vậy, bà lại tiếp tục không trung thực.
-Khi bà mất, chồng bà đã làm việc với công ty và nhận 50 triệu đồng. Ông đã cam kết không kiện cáo nên không có quyền kiện ra tòa nữa.
Vì vậy, công ty từ chối trả bảo hiểm cho ông L.
Các lý lẽ này có vẻ vững vàng chắc chắn. Tuy vậy, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều bác bỏ được, vì:
-Tòa cho rằng “ rối loạn tại dạ dày “ khác đau dạ dày. Do có 2 cách hiểu, nên cách hiểu này, vốn dĩ có lợi cho bên yếu thế tức là người mua bảo hiểm, được áp dụng.
-Mỡ máu tăng không phải là thứ để từ chối ký hợp đồng  bảo hiểm, và do đó không phải là thứ để từ chối trả bảo hiểm. Hơn nữa, bà chỉ biết “ mỡ máu tăng “, không biết rằng bằng việc khám sinh thiết, người ta mới có kết quả này. Vì vậy, bà nói bà chưa đi khám sinh thiết cũng có thể hiểu được.
     Nội dung quan trọng nhất, theo tòa, là: Công ty chỉ có thể từ chối trả bảo hiểm nếu có đủ lý do thuyết phục. Rối loạn dạ dày ( nếu là đau dạ dày như công ty hiểu ) và mỡ máu tăng chưa đủ để từ chối trả bảo hiểm.
-Chồng bà H. đã nhận tiền và đồng ý không kiện nữa không đủ để tòa ngừng xử. Chồng bà vẫn có quyền kiện.
     Kết quả, sau 2 cấp xử, công ty bảo hiểm thua và phải trả khoảng 300 triệu nữa.
    Vụ trên cho thấy: Với hợp đồng bảo hiểm, khi tranh chấp, người mua luôn ở thế yếu. Cách khắc phục điểm yếu, có thể áp dụng trong một số trường hợp, là đưa việc ra tòa.