TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI: ĐÒI LÃI THẾ NÀO?

TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI: ĐÒI LÃI THẾ NÀO?
-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương -
     Để đảm bảo hợp đồng thương mại được tuân thủ, người ta thường quy định chặt chẽ thời hạn thanh toán, mức phạt vi phạm hợp đồng và quyền đòi bồi thường thiệt hại.
     Án lệ số 09 là án lệ được áp dụng trong nhiều bản án. Vì vậy, có thể coi đây là án lệ thành công. Qua án lệ này, phần nào biết được cách tính số tiền nợ, phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại.
     Công ty A. mua thép của công ty B. Việc mua bán thể hiện qua hợp đồng. Công ty A. chuyển trước tiền. Công ty B. chuyển thép nhiều đợt, sau không chuyển nữa. Công ty A. phải mua ở đơn vị khác với giá cao hơn.
     Ra tòa, A. đòi B. :
-Tiền gốc còn nợ, lãi trong hạn, lãi quá hạn của khoản này,
-Tiền phạt 2% trên phần giá trị hợp đồng bị vi phạm, tiền lãi quá hạn cho khoản phạt,
-Tiền bồi thường thiệt hại, gồm số tiền trả thêm khi mua nơi khác, tiền lãi quá hạn cho khoản trả thêm.
     Với yêu cầu trên, tòa tối cao cho rằng:
-B. phải trả A. tiền gốc còn nợ, lãi trong hạn tính trên tiền gốc, lãi quá hạn tính trên tiền gốc. Các khoản lãi này được tham khảo ở 03 ( ba ) ngân hàng thương mại, chứ không căn cứ vào lãi suất ngân hàng nhà nước công bố.
-B. phải trả A. 2% tiền phạt trên phần giá trị hợp đồng bị vi phạm.
-Không tính lãi số tiền phạt vi phạm hợp đồng.
-Khoản bồi thường thiệt hại chưa được chấp nhận vì chưa rõ việc đi mua thép ở nơi khác có phải để bù vào số mà đáng ra B. phải giao nhưng chưa giao không, vì chứng cứ như kế hoạch sản xuất kinh doanh thời điểm đó, bên thứ ba đặt hàng … chưa được trình ra.
-Không tính lãi khoản bồi thường thiệt hại ( nếu khoản này được chấp nhận ).
     Như vậy, với các vụ việc tương tự, hồ sơ kiện của bên đòi tiền, đòi bồi thường nên có:
-Mức lãi suất tham khảo ở 03 ( ba ) ngân hàng thương mại .
-Sự chứng minh quan hệ nhân quả giữa vi phạm của đối phương và thiệt hại mình chịu. Như trường hợp trên, việc tòa cho là A. nên trình kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoặc đơn hàng bên thứ ba … chỉ là ví dụ gợi ý. Thiệt hại có thể là thu nhập mất đi, ví dụ không làm được thành phẩm và do đó không có gì để bán. Khả năng tiêu thụ thể hiện qua con số của các kỳ, các năm cũng nên tính đến.
     Ngoài vấn đề tính lãi suất thế nào, trong án lệ cũng nói đến diễn biến vụ kiện. Từ diễn biến này, cho thấy mớ hổ lốn được xới lên trong một vụ kiện tụng có thể làm tòa rối mắt ra sao. Công ty B. nêu một loạt lý do thoái thác trách nhiệm: Nào là vợ chồng giám đốc mâu thuẫn, hai người phân chia trách nhiệm để chồng chịu trả nợ thay công ty; nào là phó giám đốc và trưởng phòng kinh doanh tự ý ký hợp đồng nên công ty không chịu trách nhiệm, nào là công ty đổi chủ… Tưởng chừng chuyện nội bộ của B. chẳng liên quan đến việc A. đòi tiền, vậy mà vụ kiện vẫn phải xử đi xử lại. Như vậy, bị đơn đã thành công trong việc tạo tình thế lộn xộn, khiến nguyên đơn khổ sở vì theo kiện. Trong nhiều vụ, người đi kiện do quá nản mà chấp nhận nhận khoản thanh toán thấp hơn mức đáng phải được, sau đó rút đơn kiện.