TRANH CHẤP LAO ĐỘNG: ĐUỔI VIỆC VÌ KHÔNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, DỄ KHÔNG?

TRANH CHẤP LAO ĐỘNG: ĐUỔI VIỆC VÌ KHÔNG ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, DỄ KHÔNG?
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương -
     Khi làm thuê, người làm thuê được thử việc. Sau đó anh/chị ta nhận được đề nghị thôi việc. Lý do: Không đáp ứng yêu cầu. Đại đa số ra đi tay trắng. Một số được hỗ trợ ít tiền. Những việc rất bình thường. Vậy mà khi tòa án can thiệp, nó có thể trở thành chuẩn mực xét xử. Ví dụ vụ án dưới đây:
     Ông T. được siêu thị L. mời làm việc qua thư đề ngày 20/8/2013. Vị trí:  Trưởng bộ phận phi thực phẩm. Thời hạn: 12 tháng.  Lương thử việc: 15,3 tr /2 tháng. Nếu được tuyển, ông T. sẽ nhận mức lương 12,6 tr, trợ cấp 5,4 tr/tháng, Ông bắt đầu làm từ 9/9/2013. Hết 2 tháng thử việc, ông vẫn làm. Ngày 19/12/2013, ông nghỉ việc. Ngày 28/12/2013, Phòng nhân sự có giấy mời ông đến làm việc để lập “ Biên bản làm việc: V/v kết thúc HĐLĐ trước hạn “. Ông đến và ghi ý kiến: Không đồng ý việc chấm dứt HĐLĐ. Ngày 29/12/2013, siêu thị ra quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông. Lý do: Không đáp ứng yêu cầu. Thời hạn chấm dứt là 28/12/2013. Ngày 6/1/2014, ông T. nhận được quyết định trên. Ngày 24/2/2014, ông khởi kiện ra tòa yêu cầu: Hủy quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ; thanh toán 212,83 tr đ tất cả các khoản ( tiền lương còn thiếu, tiền lương sẽ được nhận, lương ngày nghỉ bù, bảo hiểm… )
     Siêu thị L. cho là sau 2 tháng thử việc, thấy ông T. không đạt yêu cầu, đã gia hạn thử việc thêm 1 tháng nữa ( hết 9/12/2013 ). Sau đó, giám đốc siêu thị đánh giá là cần thay thế ông bằng người khác. Ngày 28/12/2013, siêu thị mời ông đến để chấm dứt hợp đồng sau khi đưa ra đánh giá: Ông không phù hợp với vị trí công việc. Siêu thị thỏa thuận chấm dứt hợp đồng nhưng ông không đồng ý. Siêu thị trả ông một khoản tiền. Quá xa so với yêu cầu của ông.
2 phiên sơ thẩm và phúc thẩm ông T. đều thua trắng. Việc sa thải được cho là đúng luật. Các khoản ông đòi không được chấp nhận.
     May mắn cho ông là ông vẫn tin ở pháp luật và muốn làm cho ra nhẽ. Ông kiện tiếp và Chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị bản án. Tòa tối cao ra bản án giám đốc thẩm, theo đó:
  • Khẳng định: Sau khi hết hạn thử việc, siêu thị vẫn để ông T. làm việc mà không nói gì có nghĩa là đã chấp nhận ông T. làm việc chính thức như bất cứ ai có hợp đồng.
  • Siêu thị cho rằng ông T. không hoàn thành công việc, do đó đuổi việc ông T. là không có cơ sở. Đáng ra siêu thị phải có định mức công việc hoặc giao việc cho ông T. rõ ràng. Khi người lao động không đáp ứng thì phải có biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất 02 lần/tháng mà sau đó không được khắc phục thì mới được đuổi. Đằng này, siêu thị không có những thứ đó.
Điều đó nghĩa là, tất cả các án khiến ông T. thua kiện đều bị bác. Ông có cơ hội khi tòa nhận lại vụ án. Vụ này được coi như thứ “ điển cố “ để tòa, viện, luật sư trích dẫn nếu gặp vấn đề tương tự.
Vụ trên cho thấy:
  • Ngay cả khi ông chủ tỏ ra hiểu luật, như siêu thị trên, tuân thủ đúng thời hạn báo trước, trả các khoản lương ngày chưa trả, các khoản bảo hiểm…thì vẫn sơ hở. Dễ hiểu, vì ưu tiên số 1 của doanh nghiệp là kiếm tiền, chiếm thị phần, việc xây dựng đội ngũ cố vấn pháp lý thường ít được quan tâm.
  • 2 phiên tòa thua, số tiền yêu sách không quá lớn, có đòi được thì việc nhận cũng mờ mịt, nhưng tin tưởng ở pháp luật, ông T. vẫn có thể đổi hung thành cát.
  • Những cái mà người làm thuê hay nhận được từ ông chủ, như là đuổi việc vì không đáp ứng yêu cầu công việc, thông thường đến mức đại đa số đều chấp nhận không dám  ý kiến, hóa ra về luật sai bét.
Và vì thế, ông chủ hay người làm thuê đều nên có chút ít kiến thức luật liên quan tới hoạt động bình thường của doanh nghiệp hay túi tiền của mình.