TRANH CHẤP LAO ĐỘNG: CÁCH LẬP HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI LAO ĐỘNG LÀ KẾ TOÁN, CHUYÊN VIÊN TIN HỌC, NGƯỜI BÁN HÀNG...
TRANH CHẤP LAO ĐỘNG: CÁCH LẬP HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI LAO ĐỘNG LÀ KẾ TOÁN, CHUYÊN VIÊN TIN HỌC, NGƯỜI BÁN HÀNG...
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Nên ràng buộc trách nhiệm của người giám sát chất lượng,kế toán, phụ trách khách hàng... của doanh nghiệp
Có tình hình là, ông chủ hay người làm thuê, khi ký các hợp đồng lao động, chỉ quan tâm đến công việc phải làm và mức lương phải trả. Chẳng ai quan tâm tới điều khoản giữ bí mật thông tin mà người lao động nắm được trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp. Vẫn biết bưng miệng ai đó là điều không thể. Tuy nhiên, có thỏa thuận vẫn cứ hơn không. Ai đó nói với người viết: đừng bép xép, hẳn là anh ta sẽ phải thận trọng hơn mỗi lần mở miệng.
Cách mà ông chủ start up hay làm khi ký hợp đồng lao động là lên mạng down về một mẫu hợp đồng lao động, hoặc ra quầy báo mua một mẫu hợp đồng lao động màu xanh in sẵn về điền vào. Thông tin được điền hẳn chỉ là việc phải làm, lương phải trả, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm và cách trả, điều kiện lao động, thời hạn hợp đồng. Hợp đồng lao động kiểu này chỉ phù hợp với đại đa số người lao động, với những đối tượng lao động đặc biệt nói trên, nội dung trên thực sự chưa đủ.
Vậy với các đối tượng đặc biệt, ông chủ nên viết gì trong hợp đồng lao động? Cái cần viết có lẽ là:
1.Những nội dung chung cần có trong mọi hợp đồng lao động: Những nội dung như công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các khoản bảo hiểm như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cách chi trả, thời hạn hợp đồng lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động ... hẳn nên phải đưa vào trong hợp đồng lao động.
2.Những nội dung riêng áp dụng cho từng đối tượng: Với từng người lao động đặc biệt nói trên: kế toán, nhân viên marketing, chuyên viên tin học, quản lý chất lượng... sẽ có một nội dung riêng phù hợp. Ví dụ:
-Nội dung công việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nơi làm việc .v.v...: Rõ ràng là, tùy từng vị trí người lao động, loại công việc và yêu cầu, ông chủ có thể linh hoạt khi xác định những nội dung này.
-Trách nhiệm bảo mật thông tin trong khi làm việc tại doanh nghiệp: Hợp đồng lao động phải xác định rõ nghĩa vụ bảo mật thông tin về tài chính, danh sách khách hàng, kết quả hoạt động marketing, kết quả nghiên cứu ứng dụng, bí mật công nghệ...của người lao động với doanh nghiệp. Ngoài hợp đồng lao động, trách nhiệm bảo mật thông tin nên được làm rõ trong một quy định, quy chế hay quyết định gì đó của giám đốc doanh nghiệp.
-Ràng buộc không được ngưng hợp đồng lao động trước hạn, trừ phi có thỏa thuận: Người lao động đặc biệt thường là người “ có giá “. Họ hay nhảy việc. Điều đó có thể khiến ông chủ gặp khó khi tìm người thay thế. Vì vậy, nên thỏa thuận về việc không ngưng hợp đồng lao động trước thời hạn và có một khoản bồi thường nhất định nếu người lao động vi phạm.
-Trách nhiệm chia sẻ, hướng dẫn người được tuyển dụng thay thế: Người lao động đặc biệt thường có thời gian làm quen với công việc tại doanh nghiệp, vì vậy, trước khi ra đi, nên quy định họ phải bàn giao, hướng dẫn người được tuyển dụng thay thế.
-Trách nhiệm bảo mật thông tin ngay cả khi rời khỏi doanh nghiệp: Nên xác định rõ trách nhiệm này, đặc biệt với người bán hàng, chuyên viên marketing, chuyên viên tin học, người quản lý chất lượng... Thậm chí có quy định không làm cho công ty cùng lĩnh vực sau khi thôi việc. Trong trường hợp này, ông chủ nên có một khoản bồi dưỡng thỏa đáng để họ vẫn có thu nhập ngay cả khi nghỉ ngơi.
Share :