TRANH CHẤP HÔN NHÂN: VỢ CHỒNG ĂN CẮP CỦA NHAU - KHI NGƯỜI TA NÊN XÉ SÁCH LUẬT
TRANH CHẤP HÔN NHÂN: VỢ CHỒNG ĂN CẮP CỦA NHAU - KHI NGƯỜI TA NÊN XÉ SÁCH LUẬT
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương -
-Chị Hải anh Minh sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký. Họ có 2 con chung. Một lần, khi Minh đang tắm giặt, để ví tiền ở ngoài, trong ví có 54 triệu đồng, Hải đã lấy chiếc ví, đi ra ngoài. Minh phát hiện đuổi theo. Hải bỏ chạy vào nhà một người quen cố thủ bên trong. Đứng bên ngoài Minh liên tục yêu cầu trả lại tiền. Bị đòi nhiều, Hải trả lại cho Minh hơn 34 triệu đồng. Minh tiếp tục yêu cầu phải trả nốt, nhưng không được. Minh báo Công an đến bắt Hải. Tại công an, Hải tự nguyện giao nộp lại 20 triệu đồng. Hành vi của Hải bị công an khởi tố tội trộm cắp tài sản. Hải phải đối diện với mức án từ 2- 7 năm tù. Vụ này về sau được đình chỉ vì lý do chuyển biến tình hình khiến tội phạm không còn nguy hiểm.
-Ông Cần và bà Mén kết hôn với nhau từ 1988. Quá trình chung sống, hai vợ chồng dành dụm được 10 lượng vàng 9999, gần 4 chỉ vàng 18K và 5 chỉ vàng 24K.
Sau hai người mâu thuẫn nhưng vẫn chung nhà, mỗi người một phòng riêng. Bà Mén chăm chỉ làm ăn nên mua thêm 16 lượng vàng 9999, gần 11 chỉ vàng 24K và 12,5 chỉ vàng 18K. Ông Cần ghen tức và nảy sinh ý định chiếm đoạt. Một hôm, nhân lúc vợ con đi vắng ông Cần phá chiếc két sắt, lấy đi toàn bộ tài sản mà người vợ tích cóp.
Bà Mén đi bán hàng về thấy tài sản đã mất. Bà hỏi chồng thì ông Cần trả lời không biết. Sau đó, bà Mén trình báo lên cơ quan công an.
Khi được công an mời lên làm việc, ông Cần thừa nhận mình là thủ phạm lấy cắp tiền của vợ. Công an đã tiến hành bắt tạm giam và điều tra truy tố về tội danh trộm cắp tài sản.
Sau này, tòa tuyên xử ông Cần trắng án.
Nói chung để giải bài tập tình huống kiểu bà vợ ông chồng lấy tiền của người kia có bị xử không, nên thử nhìn theo cách: Tài sản của gia đình là tài sản chung chưa chia của hai vợ chồng. Do trong gia đình, thiết chế gia đình cao hơn thiết chế xã hội, đạo lý cao hơn pháp luật, nên nếu vợ hay chồng có lấy tiền của người kia, thì chỉ chịu trách nhiệm về đạo đức với người kia. Pháp luật không can thiệp nếu một bên không yêu cầu. Sự can thiệp cũng chỉ nhằm phân định tài sản vợ chồng để tránh trường hợp một người sử dụng thái quá. Do chỉ nằm trong khuôn khổ gia đình, việc vợ chồng lấy tiền của nhau không thể coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và phải xử lý hình sự. Việc này chỉ có thể giải quyết bằng yêu cầu phân định tài sản chung hai vợ chồng và buộc người kia có trách nhiệm hoàn trả. Đây là việc của tòa dân sự.
Tuy nhiên, có vẻ như một điều tra viên sẽ bị thủ trưởng cơ quan điều tra và đồng nghiệp cười vào mũi nếu cứ phân tích đạo đức – pháp luật như vậy. Và thế là luật hình sự được áp dụng. Bi hài kịch xảy ra.
Nó đã không xảy ra khi người ta chấp nhận xé sách luật.
Share :