TRANH CHẤP HÔN NHÂN: THỎA THUẬN TỒI HƠN KHÔNG THỎA THUẬN

TRANH CHẤP HÔN NHÂN: THỎA THUẬN TỒI HƠN KHÔNG THỎA THUẬN
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương -
Ở Anh, việc ra khỏi Liên minh châu Âu được ví như cuộc ly hôn.
Người ta đàm phán về các điều khoản “ chia tay “. Một phương châm được nêu ra: Thà ra đi không có thỏa thuận còn hơn một thỏa thuận tồi.
Mọi so sánh đều khập khiễng. Chính cách đàm phán này khiến việc người Anh rời khỏi Liên minh châu Âu không thể gọi là vụ ly hôn. Quan hệ chính trị khác với quan hệ gia đình.
Đơn giản vì theo chúng tôi, nếu hai vợ chồng ly hôn, và họ quyết định đàm phán về tình cảm, tài sản, con cái, thì một thỏa thuận tồi còn hơn không có thỏa thuận.
Để giải thích, nên bắt đầu từ việc xem thế nào là thỏa thuận tốt. Ly hôn là màn kịch 3 hồi: Tình cảm – Tài sản – Con cái. Là thỏa thuận tốt nếu:
  • Về tình cảm: Hai người đồng ý ly hôn đồng thuận. Tức là cùng ký tên vào đơn mua ở tòa. Ra tòa đồng ý không xúc phạm nhau.
  • Về tài sản: Xác định rõ ai lấy cái gì? Người kia phải bù bao nhiêu tiền? Nếu có nhà – đất thì ai được sử dụng bao nhiêu? Trình tự sang tên đổi chủ? Ai trả nợ? Và nói chung, theo chúng tôi, thỏa thuận về tài sản tốt nhất khi: 1.Một bên cầm được tiền và 2.Không ai cảm thấy thiệt, đúng tinh thần cùng thắng.
  • Về con cái: Ai nuôi con? Người kia cấp dưỡng bao nhiêu? Cách thanh toán? Nếu một người vợ chấp nhận nuôi con, người chồng cam kết cấp dưỡng cho con một khoản tiền, và thanh toán một lúc đến năm 18 tuổi, kể như người vợ thắng ván “ ù “.
Nói chung, cứ thỏa thuận ly hôn thì đều được coi là thỏa thuận tốt đến khi các nó không được thực hiện, vì đủ mọi loại lý do: Hôm qua nghĩ vậy, hôm nay nghĩ lại; thêm các điều kiện để thực hiện; hoặc đơn giản là không thể thực hiện, ví du: Sổ Đỏ được hai vợ chồng thế chấp tại ngân hàng, khi ly hôn, chồng thỏa thuận chia cho vợ đất, nhưng không thể lấy được Sổ Đỏ từ  ngân hàng để “ tách “ sổ, vì nợ chưa được thanh toán.
Tuy nhiên, ngay cả khi thỏa thuận tốt thành tồi, vẫn hơn không thỏa thuận. Khác với việc của người Anh, nơi không có tòa án nào phân xử, việc ly hôn của các cặp vợ chồng Việt Nam vẫn có tòa án can thiệp. Giả định thỏa thuận không được thực hiện, vợ chồng vẫn còn cách kiện ra tòa. Tại tòa, khi trước đó có thỏa thuận, khó lòng có thể nói hôm trước nghĩ vậy hôm nay nghĩ lại, hoặc thêm các điều kiện phi lý.
Tóm lại, khi ly hôn, việc ngồi lại bàn tính và ghi nhận những cái đã đồng ý với nhau bằng văn bản rất quan trọng. Việc này nhiều khả năng làm tình hình tốt hơn. Khả năng tình hình tồi đi khá hiếm.