TRANH CHẤP HÔN NHÂN: THỎA THUẬN GIÀNH CHO NGƯỜI CHỒNG ĐÃ BỎ ĐI NAY TRỞ VỀ

TRANH CHẤP HÔN NHÂN: THỎA THUẬN GIÀNH CHO NGƯỜI CHỒNG ĐÃ BỎ ĐI NAY TRỞ VỀ
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
     Trên một face group 500 ngàn thành viên, một người đặt câu hỏi: Chồng em bỏ đi mấy năm. Bây giờ muốn quay lại, em phải xử trí ra sao?
     Một câu hỏi khó. Nhiều người đưa quan điểm: Chấp nhận, đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại, hãy cho anh ấy cơ hội.
     Điều này luôn đúng. Dân Việt Nam duy tình. Người phụ nữ Việt Nam nhẫn nại, thiện lành. Vậy nên người đàn ông vùng vẫy bầm dập chán vạn nơi hải hồ, vẫn có cái ổ để quay lại. Nàng Tô Thị bao năm chẳng đã khẳng định điều đó?
     Người viết cũng đồng ý là cho anh chồng kia cơ hội. Hãy đóng cửa quá khứ. Người ta nên sống cho hiện tại và tương lai. Nhất là trong gia đình, tương lai không chỉ của một người.
     Vấn đề là nên làm gì để mọi việc tốt hơn? Làm gì để người đàn ông quay lại có trách nhiệm hơn? Cách nào để tránh việc người đàn ông lại tiếp tục bỏ đi?
     Nhìn trên phương diện pháp lý, việc người chồng bỏ đi là một sự kiện. Hậu quả của nó là làm cho cuộc sống gia đình chao đảo. Trong nhiều cuộc hôn nhân, nó làm cho mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Tòa án đã giải quyết ly hôn trong nhiều trường hợp người chồng bỏ đi biệt tích.
     Vậy thì việc quay về cũng nên được xem là sự kiện pháp lý. Nên coi đây là cơ hội giải quyết triệt để nhiều việc trong gia đình. Người viết khuyên người vợ nên hỏi người chồng là anh ta định kiếm sống bằng nghề nghiệp gì? Nếu chưa có nghề nghiệp, hẳn nên yêu cầu anh ta kiếm việc. Sau khi có việc quay lại nói chuyện tiếp. Nếu có nghề nghiệp rồi, nên hỏi anh ta là có thể đưa cho vợ 50 – 75% thu nhập không? Thời gian thử thách nên là 3 tháng, nghĩa là trong 3 tháng, anh chồng đưa cho vợ 75% thu nhập. Anh ta chưa được về nhà hẳn. Anh ta được phép về nhà thăm con mỗi buổi chiều. Anh ta nên kiếm đâu đó một món tiền, 50 triệu chẳng hạn, đưa vợ. Món này coi như vừa đền bù tuổi xuân cho 2 năm thất vọng, bươn chải, vò võ của cô vợ khi anh bỏ nhà đi, vừa là khoản tiền tạo dựng tương lai mới khi anh quay về. Anh ta nên xoay đâu đó món tiền này. Xin bố mẹ đẻ, hoặc vay anh chị em, cô dì chú bác. Nỗ lực thể hiện lòng thành rõ ràng nhất.
     Hết 3 tháng thử thách, anh ta nên đảm bảo đưa vợ đều đặn 75% thu nhập, hoặc một số tiền cố định. Để tránh việc bỏ đi lần nữa, anh ta phải cam kết: Nếu chuyện này tiếp tục xảy ra, cô vợ được toàn quyền ly hôn đơn phương. Anh chồng bị coi như có lỗi trong cuộc hôn nhân. Anh ta không được yêu sách gì về tài sản chung, chấp nhận từ bỏ quyền nuôi con.
     Những điều trên được viết ra trong một “ Bản thỏa thuận vợ chồng về việc tạo lập cuộc sống mới “.
     Và nếu đưa ra tòa, tòa án hoàn toàn có thể công nhận thỏa thuận kiểu này.