TRANH CHẤP HÔN NHÂN: MỘT CÂU NGẮN CHO MỖI VỤ VIỆC

TRANH CHẤP HÔN NHÂN: MỘT CÂU NGẮN CHO MỖI  VỤ VIỆC
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương. Bài chỉ có tính chia sẻ kiến thức, không phải lời tư vấn chính thức -
     Theo sự liệt kê tại Điều 28 Luật Tố tụng dân sự 2015, những tranh chấp về hôn nhân và gia đình được giải quyết với một lời khuyên như sau: 
- Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn: Một bên vợ/chồng làm đơn trình bày mâu thuẫn hôn nhân và đưa yêu sách.
- Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân: Một bên vợ/chồng làm đơn đòi phần của mình kèm chứng cứ liên quan và đủ 2,5% số tiền so với giá trị tài sản mình đòi để làm tạm ứng án phí
- Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: Một bên vợ/chồng làm đơn đòi con kèm chứng cứ cho thấy con cái sống với mình sẽ tốt hơn.
- Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ: Một người cần làm một cái đơn, có bản giám định AND thì tốt, nếu không có gì thì ít ra phải yêu cầu tòa gọi cha, mẹ hay con đến tòa làm việc.
- Tranh chấp về cấp dưỡng: Một người cần làm một đơn đề cập tới mức cấp dưỡng cũ và yêu cầu mức mới.
- Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Một người cần làm một đơn đòi con.
- Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật: Một bên nam/nữ làm đơn sau khi có chứng cứ là khai sinh của con, sự tồn tại của tài sản…
- Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Theo sự liệt kê tại Điều 29, 11 yêu cầu về hôn nhân và gia đình được giải quyết với một lời khuyên như sau:
- Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật:  Một người làm đơn sau khi có chứng cứ về việc hôn nhân bị cưỡng ép, người kết hôn chưa đủ tuổi hoặc cùng huyết thống…
- Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn: Một bên vợ/chồng làm đơn sau khi bàn bạc với bên kia cùng có mặt ở tòa để xác nhận thỏa thuận.
- Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình: Một người làm đơn yêu cầu và trình chứng cứ về thỏa thuận.
- Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn: Một người làm đơn và trình chứng cứ về tư cách người kia từ đó dẫn đến việc cần hạn chế.
- Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi: Một người làm đơn nói rõ lý do và đưa yêu cầu kèm theo xác nhận nuôi con nuôi của cán bộ tư pháp xã, phường.
- Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình: Một người làm đơn trình bày việc mang thai hộ và đưa yêu cầu, tốt nhất có kèm giấy khai sinh đứa bé.
- Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án: Một người làm đơn yêu cầu kèm theo bản án, quyết định của tòa.
- Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình: Một người làm đơn yêu cầu kèm theo bản thỏa thuận của vợ và chồng.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam: Một người làm đơn yêu cầu với bản án đã được dịch công chứng.
- Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình: Một người làm đơn và yêu cầu.
- Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật: Đơn kèm yêu cầu cần được gửi tới tòa.