TRANH CHẤP HÔN NHÂN: LÝ DO LY HÔN ĐƯỢC TÒA CHẤP NHẬN VÀ THỰC TẾ.

 
TRANH CHẤP HÔN NHÂN: LÝ DO LY HÔN ĐƯỢC TÒA CHẤP NHẬN VÀ THỰC TẾ.
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội –
     Ly hôn là loại việc tòa án giải quyết nhiều nhất. Việc ly hôn xảy ra bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, không phải lý do nào cũng được tòa án chấp nhận. Tòa án chấp nhận lý do nào? Luật định rằng: Tòa xem xét yêu cầu ly hôn, nếu thấy có hành vi bạo lực gia đình hoặc hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền – nghĩa vụ vợ chồng dẫn đến tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì tòa cho ly hôn. Từ qui định chung này, một hướng dẫn có tính tham khảo để thấy được hôn nhân trong tình trạng trầm trọng là thế nào:
- Vợ, chồng không thương yêu, chăm sóc, bỏ mặc nhau sống ra sao thì sống, đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự nhau, đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thuỷ như có quan hệ ngoại tình, đã được nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục.
     Mục đích của hôn nhân không đạt được được hướng dẫn là: Không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền; không tôn trọng danh dự nhau; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
     Đây là quy định của luật. Thực tế, như các chuyên gia tâm lý chỉ ra, có tới 10 nguyên nhân ly hôn ( Tìm hiểu thêm trong “ 10 nguyên nhân ly hôn “ – www.thamvantamly.net ), gồm: Ngoại tình; Lạm dụng thể chất hoặc tâm thần; Mâu thuẫn về tiền bạc; Chuyện chăn gối; Thiếu thời gian dành cho nhau; Phê bình – So sánh; Xung khắc tính nết; Nhầm lẫn đối tượng chia sẻ; Có người đứng sau; Sai lầm trong quan điểm chấp nhận tất cả.
     Tham khảo bài “ 1001 lý do ly hôn “ trên Báo Thanh Niên điện tử, ngày 27/10/2014, cũng thấy phóng viên dẫn từ các phiên tòa có thật, là:
- Cuối tháng 10.2014, TAND tỉnh Bình Định thụ lý và xét xử phúc thẩm một vụ anh N.H.T (29 tuổi, ở H.Tây Sơn) nhất quyết xin ly hôn dù con đầu lòng mới hơn một tuổi. Tại tòa, anh khẩn thiết xin ly hôn chỉ vì một lý do là vợ... quá dữ.
- Ở một phiên tòa khác, khi nói về lý do xin ly hôn, chị vợ cứ ấp úng mãi. Đầu tiên chị nói thì không có lý do gì đáng để ly hôn. Chồng tốt, không say xỉn hay đánh đập, ngược lại rất cưng chiều. Chị vợ cũng chẳng phải có ai khác ở ngoài. Ấy thế mà chị vợ cứ nhất mực xin ly hôn.
Chủ tọa tỏ vẻ bực bội: Nếu chị không nói được lý do nào thì chúng tôi không thể giải quyết cho chị ly hôn được. Sau một hồi, chị nói trong khổ sở: “ Tui nói thiệt là tui chịu không nổi nữa vì cái … của ông chồng tui to quá!”.
- Một phiên tòa khác nữa cũng tại tỉnh Bình Định, người vợ yêu cầu ly hôn vì muốn tính tiền công làm vợ, mỗi ngày 100 000 đ trong 7 năm chung sống. Nếu không chung sống với ông chồng thì bà này cho rằng trong 7 năm đã có nhà lầu, xe hơi.
     Như vậy, có thể thấy: Từ quy định của luật đến thực tiễn khá xa vời. Có những lý do thực tế khiến vợ chồng không thể chung sống, nhưng rất khó thuyết phục tòa cho ly hôn. Đó là chưa kể đến việc một bên cố gắng níu giữ.
     Để được tòa án chấp nhận ly hôn, một số trường hợp không đơn giản. Nói chung, hễ cứ ra tòa, người ta cần luật sư. Khi ly hôn, khách hàng cần trao đổi lý do thật sự với luật sư. Luật sư sẽ hướng dẫn cách làm đơn và cách thể hiện lý do đó với tòa án trong quá trình làm việc trước khi phiên tòa diễn ra để mọi việc được suôn sẻ.