TRANH CHẤP HÔN NHÂN: LÀM SAO THỎA THUẬN VỀ TÀI SẢN KHI LY HÔN MỘT CÁCH TỐT NHẤT?
TRANH CHẤP HÔN NHÂN: LÀM SAO THỎA THUẬN VỀ TÀI SẢN KHI LY HÔN MỘT CÁCH TỐT NHẤT?
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Khi ly hôn, thỏa thuận phân chia tài sản là cách có tài sản nhanh nhất
Để thỏa thuận với người kia về tài sản, trước tiên nên xác định một triết lý: Thỏa thuận là cuộc chơi cùng thắng. Thắng vì đỡ tốn kém, thắng vì tiết kiệm thời gian, thắng vì không căng thẳng, thắng vì có thể sử dụng tài sản tốt nhất, thắng vì giữ được hòa khí, thắng vì không trở thành kẻ ngốc ( khi kiện cáo, có đủ loại cò mồi chăn dắt ) .v.v...Nếu vậy, những tỷ lệ kiểu 50 – 50, 100 – 0 ( toàn bộ của tôi, người kia không làm gì nên không có gì ) chỉ để tham khảo. Để thắng như vậy, bạn có thể sẵn sàng chấp nhận tỷ lệ 40 – 60, 30 – 70.v.v...Nói chung đừng cứng nhắc.
Sau khi triết lý thắng – thắng được xác định, bạn bắt đầu chia chác. Các thỏa thuận nên là:
1.Tập trung trước tiên cho các tài sản có thể chia, bắt đầu từ nhỏ đến lớn, dễ đến khó: Đó thường là các tài sản như xe cộ, nhà đất ... Các tài sản này hình thành khi vợ chồng chung sống và có giấy tờ sở hữu. Xe thì nên ai đang đi người đó tiếp tục đi. Chia nhà đất khó hơn. Nếu không thể ngăn tường, tách thửa để mỗi người đứng tên một mảnh đất, thử xác định một món tiền người kia được nhận và hai người nên cam đoan tạo điều kiện cho người kia toàn quyền sở hữu, sử dụng nhà đất, ví dụ làm ủy quyền tại công chứng để một người có thể bán, thế chấp nhà đất chẳng hạn.
2. Với các tài sản mà việc chia là khó, ví dụ như quyền quản lý một doanh nghiệp, quyền thuê và khai thác một mặt bằng .v.v... hãy nghĩ đến phương án nhận tiền. Cùng với việc nhận tiền, hãy thỏa thuận về cách nhận tiền, thời điểm nhận. Không nhận được một “ cục “ thì hãy chia nhỏ. Đổi lại, tạo điều kiện cho người kia thuận lợi trong việc sử dụng tài sản, ví dụ như với quyền quản lý doanh nghiệp, nên làm thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp cho người kia hoặc ủy quyền người kia thay mặt mình quản lý phần vốn góp trong doanh nghiệp.
3. Hãy lưu ý đến việc nuôi dạy con cái: Dành một phần tài sản làm “ quỹ “ nuôi dạy con cái. “ Qũy “ nên được điều hành rõ ràng, ví dụ thỏa thuận đưa vào “ quỹ “ bao nhiêu tiền, thỏa thuận việc cùng chi tiêu cho mục đích nuôi dạy con...
4. Thỏa thuận về các khoản nợ: Nên xem hai người còn nợ những ai. Nguyên tắc nợ ai người ấy trả. Nếu vay mượn không để làm ăn chung hay chi tiêu cho gia đình, làm ơn đừng kéo người kia vào rắc rối. Với khoản trả góp, hãy thỏa thuận ai là người tiếp tục dùng tài sản người đó sẽ có trách nhiệm trả. Nếu nhượng lại quyền sử dụng tài sản trả góp, người không sử dụng tài sản trả góp cam kết tạo mọi điều kiện để việc nhượng lại suôn sẻ.
Thực sự đây chỉ là gợi ý chung nhất, có thể có nhiều vấn đề khác, ví dụ chẳng ai cấm một anh chồng gă – lăng, khi ly hôn vợ, giành cho vợ một khoản tiền gọi là đến bù tuổi xuân. Mọi cái đều có thể thỏa thuận, miễn là quan điểm cùng thắng được giữ từ đầu đến cuối.
Share :