TRANH CHẤP HÔN NHÂN: LÀM SAO ĐỂ CÓ THỎA THUẬN CHUNG SỐNG AN TOÀN.

TRANH CHẤP HÔN NHÂN: LÀM SAO ĐỂ CÓ THỎA THUẬN CHUNG SỐNG AN TOÀN.
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Nếu chung sống không đăng ký kết hôn thì nên có thỏa thuận
    Nếu chung sống không đăng ký kết hôn thì nên có thỏa thuận
     Xã hội hiện đại chứng kiến việc sống chung không kết hôn gia tăng. Không chỉ một cặp nam nữ thuê hay mua nhà sống cùng, hiện tại người ta còn thấy trên mạng đăng nhiều đám cưới của các cặp đồng tính. Chắc chắn hôn nhân của những người đồng tính này không được thừa nhận. Pháp luật thiếu các quy định bảo vệ họ. Sự trợ giúp mà nhà chức trách giành cho họ là mới chỉ là cấp phép cho các cuộc diễu hành với lá cờ bảy sắc.
     Một số vụ việc đáng tiếc xảy ra với những người sống chung không kết hôn có thể kể ra:
-Vụ lấy cắp tiền của chồng hờ: Chị Nguyễn Thị Hải sống chung với anh Chu Bá Minh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, có 2 con chung. Sau đó 2 người mâu thuẫn. Chị Hải bỏ nhà đi một thời gian rồi quay về. Một lần, thấy trong túi của chồng có 54 triệu, nhân lúc chồng không để ý, chị lấy toàn bộ số tiền. Ngay sau đó, anh Minh phát hiện ra đuổi theo. Chị Hải trả lại anh 34 triệu, giữ số còn lại. Anh Minh báo công an. Cơ quan pháp luật cho là chị Hải trộm cắp nên khới tố. May mà về sau, vụ án được đình chỉ. Chắc chắn, nếu cả 2 có mảnh giấy giá thú, nhà chức trách không bao giờ nghĩ chị Hải là kẻ trộm.
-Vụ nữ sinh viên ném con mới đẻ từ tầng 31 chung cư Linh Đàm, Hà Nội: V.A học tại một đại học ở Hà Nội, xinh đẹp, hát hay, múa giỏi, nhận được nhiều bằng khen của trường. Cô sống với bạn trai trong chung cư, trước đó lại yêu và có thai với người khác. Người bạn trai mới không hề biết, cứ tưởng bạn gái lên cân. Cô sinh con bất ngờ trong nhà vệ sinh nhà bạn trai. Do hoảng sợ, cô ném đứa bé ra ngoài cửa sổ. Nếu cứ nói thẳng tình trạng của mình, đề nghị cùng chung sống, cam kết không để đứa bé sinh ra ảnh hưởng tới bạn trai mới thì mọi việc không trở nên tồi tệ.
-Vụ gài ma túy đẩy chồng hờ vào tù: Nguyễn Thị Vân và anh Nguyễn Văn Thiện chung sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Hai người chung sống, có con chung, làm ra khối tài sản cả trăm tỷ. Về sau mâu thuẫn, Vân bàn bạc với một nữ sĩ quan công an ném ma túy vào xe anh Thiện và báo công an đến bắt. Anh Thiện được chứng minh vô tội, Vân và nữ sĩ quan công an kia phải trả giá. Nếu có thỏa thuận rõ ràng, chung sống với điều kiện gì, lúc nào ngưng chung sống, giải quyết hậu quả con cái, tài sản... thì đâu phải triệt hạ nhau.
     Như vậy có thể thấy, rủi ro trong việc sống chung không giá thú không nhỏ. Rủi ro từ phía đối ngẫu. Rủi ro từ chính nhà chức trách khi hiểu sai luật. Những rủi ro có lẽ sẽ giảm thiểu nếu hai người có hợp đồng chung sống. Nên hiểu hợp đồng gồm cả hợp đồng miệng. Nên nói với nhau về đóng góp chi phí chung, các mức chi hỗ trợ người kia trong học tập, xin việc, khi đau ốm hay cho gia đình họ. Nên thỏa thuận các nguyên tắc sống chung, thời điểm và cách thức ngừng chung sống. Nếu hai người có con chung, nên thỏa thuận chi tiết hơn nữa chuyện con cái, thỏa thuận trách nhiệm với gia đình mỗi người...Nếu viết được các thỏa thuận đó ra giấy là ràng buộc chắc chắn nhất. Luật cho phép yêu cầu tòa án công nhận thỏa thuận này.
     Tóm lại, khi hai người quyết định chung sống không giấy giá thú, hãy nói hoặc viết ra:
1.Nguyên tắc của việc chung sống, khi nào ngừng việc chung sống.
2.Phân chia chi phí chung sống; xác định tài sản chung – riêng; cách quản lý, ăn chia với tài sản hình thành sau khi sống chung.
3.Cách nuôi dạy con chung, đảm bảo quyền nhân thân của con như quyền có tên bố - mẹ trong giấy khai sinh, phân chia chi phí học tập cho con chung.
4.Đảm bảo quyền lợi người kia khi ngừng chung sống, tạo điều kiện cho nhau có được, khai thác tốt tài sản chung, cùng nuôi dạy con cái khi ngừng chung sống.