TRANH CHẤP HÔN NHÂN: LÀM HỢP ĐỒNG ĐẺ THUÊ ĐƯỢC KHÔNG?
TRANH CHẤP HÔN NHÂN: LÀM HỢP ĐỒNG ĐẺ THUÊ ĐƯỢC KHÔNG?
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Đầu tiên thì người ta phải thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó cấy vào tử cung người mang thai hộ. Người mang thai hộ phải là họ hàng cùng hàng, từng mang thai, được cơ quan y tế xác nhận đủ sức khỏe sinh con, nếu có chồng thì phải được sự đồng ý của người chồng về việc mang thai hộ.v.v... Điều kiện họ hàng cùng hàng là bình thường về y học, nhưng trên về xã hội nghe xa lạ với người Việt Nam. Cô em gái bụng lùm lùm mấy tháng, rồi xẹp đi sau khi sinh con cho bà chị, kiểu gì sẽ có người hỏi sinh nở thế nào, lại nói trả đứa bé cho bố mẹ nó rồi, có vẻ khá dị.
Vì vậy, mang thai hộ đúng luật không nhiều. Đẻ thuê thì phát triển mạnh.
Ngày 21/8/2019, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội bắt một đường dây đẻ thuê. Những người bị bắt đăng thông tin cần tìm người mang thai hộ, gặp những người này và đưa về nhà trọ nuôi ăn ở. Sau đó tìm các cặp vợ chồng hiếm muộn, lấy phôi của những người này rồi cùng với người mang thai hộ đến bệnh viện cấy phôi. Người thuê đẻ phải trả 450 triệu đồng. Sau khi chi phí cấy phôi, chăm sóc, tiền trả cho người đẻ thuê, kẻ môi giới được hưởng 20 – 30 triệu đồng.
Cách đây hơn một năm, người viết được một anh đồng nghiệp kể câu chuyện làm hợp đồng đẻ thuê. Một nữ khách hàng đến gặp anh trình bày: Vợ chồng lấy nhau lâu chưa con cái, chị tìm được một cô có chồng sẵn sàng đẻ thuê. Thỏa thuận người đẻ thuê được hưởng 200 triệu. Người thuê đẻ chịu mọi chi phí như nuôi dưỡng, thuê nhà, chăm sóc y tế... Vấn đề là để ràng buộc trách nhiệm, hai bên muốn lập hợp đồng.
Anh luật sư giở luật và thấy có tội mang thai vì mục đích thương mại. Cứ theo luật thì những người tổ chức, tức là tìm kiếm người thuê đẻ và đẻ thuê, tạo mọi điều kiện để quá trình trót lọt, thu tiền... thì sẽ bị xử hình sự.
Như vậy, với trường hợp bên cung và bên cầu tự tìm đến nhau, khó lòng vận dụng tội mang thai vì mục đích thương mại. Về điểm này, người viết cãi với anh bạn đồng nghiệp rằng có thể xử lý chính người thuê đẻ - cặp vợ chồng hiếm muộn kia. Đành rằng họ có mục đích chính là có đứa con, nhưng trong việc này song hành mục đích thương mại – đẻ thuê để có tiền của người đẻ thuê. Họ biết và chấp nhận điều này, nghĩa là đối chiếu với điều luật, họ đáp ứng được quy định là có mục đích thương mại trong việc tổ chức mang thai. Cũng phải nói thật là người viết cãi nhây như vậy, tự thân cũng biết cơ quan pháp luật khó lòng xử lý kiểu đó.
Anh luật sư đồng nghiệp lập một hợp đồng. Hợp đồng tên là: Thỏa thuận về việc tài trợ chăm sóc y tế khi mang thai và thực hiện một số việc sau khi sinh con. Nội dung hợp đồng: Ghi nhận việc người đẻ thuê mang thai, không nói về việc cấy phôi; người thuê đẻ tài trợ 200 triệu, tài trợ tiền ăn ở, khám dưỡng...; người đẻ thuê phải đi khám thai định kỳ và tuân thủ tư vấn bác sỹ; nếu có biến chứng sản khoa hay phát hiện thai nhi dị tật người thuê đẻ phải được báo; người thuê đẻ chấp nhận bồi thường nếu không tiếp tục tài trợ; sau khi sinh con, người đẻ thuê cam kết làm mọi việc để vợ chồng hiếm muộn làm thủ tục nhận con nuôi, từ bỏ mọi yêu sách tài sản...
Cuối cùng đứa trẻ cũng chào đời. Vợ chồng hiếm muộn được hưởng hạnh phúc có con.
Quay trở lại đường dây đẻ thuê công an vừa phá, người bị bắt có thể sẽ phải chịu tội. Tuy nhiên, với một số người thuê đẻ và đẻ thuê, hẳn phải tiếp tục “ hợp đồng “, làm mọi cách để mẹ tròn con vuông. Việc thỏa thuận kiểu tài trợ hoàn toàn nên làm.
Share :