TRANH CHẤP HÔN NHÂN: CHIA TAY CÓ ĐÒI ĐƯỢC QUÀ KHÔNG?
TRANH CHẤP HÔN NHÂN: CHIA TAY CÓ ĐÒI ĐƯỢC QUÀ KHÔNG?
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Chia tay đòi quà là có thật. Tòa án Việt Nam, thường trong Nam, xử nhiều. Có vụ đòi được, có vụ không.- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
- A1 muốn kết hôn với B1. A1 đã ra mắt nhà B1 và tặng B1 một khoản tiền, vàng để tổ chức lễ cưới. Sau đó, phát hiện A1 chung sống, có con với phụ nữ khác, B1 không cưới. A1 lại vắng mặt ở nơi cư trú một khoảng thời gian. B1 cưới người khác. Vụ này tòa bác việc đòi tiền, vàng của A1 vì cho rằng B1 không có lỗi gì.
Tuy vậy, trong một vụ khác, người phụ nữ lại phải trả lại tiền. A2 muốn kết hôn với B2. A2 cũng đã ra mắt nhà B2 và tặng một khoản tiền, vàng để tổ chức lễ cưới. Sau đó, phát hiện A2 chưa ly hôn với vợ cũ, B2 không cưới. A2 kiện ra tòa và đòi được tiền, vàng. Lý do: Tòa cho rằng A2 đưa tiền, vàng cho B2 để tổ chức lễ cưới, lễ cưới không diễn ra thì đương nhiên B2 phải trả lại.
Hai trường hợp trên đều là người Việt Nam. Liên quan tới người nước ngoài hoặc Việt Kiều thì cũng vụ được vụ không.
-NN, người Tây Ban Nha, quen H., người Việt Nam. Hai người tính kết hôn. H. mail cho NN, yêu cầu gửi 40 000 USD, hứa sẽ trả. NN gửi số tiền. Sau này, 2 người không kết hôn. NN đòi tiền. Tòa thành phố HCM và tòa cấp cao xử buộc H. trả tiền NN vì đây là tiền vay. Có thể coi NN đòi được quà. Sau đó, tòa tối cao kháng nghị hủy án, vì cho rằng quan hệ giữa NN và H. là quan hệ tình cảm, 40 000 USD thực chất là khoản tiền NN tặng H. hỗ trợ cuộc sống. Theo tòa, cần bác bỏ kết quả NN được nhận lại tiền.
Vụ giống vậy, xử lại khác. VK, Việt Kiều, công dân Mỹ. Ông quen N. và gửi tiền về Việt Nam để N. mua nhà. VK và N. từng định kết hôn. Mọi việc đổ bể. VK kiện đòi N. 300 tr. Tòa tỉnh xử N. phải trả tiền cho VK vì cho rằng N. tuy đứng tên mua nhà, nhưng nguồn gốc tiền của VK. Người bán nhà xác nhận khi trả tiền, đều có mặt VK và N.,VK là người lấy tiền ra trả. VK cũng nộp các bản in thư chuyển tiền cho công ty dịch vụ về việc chuyển tiền cho N. Lên đến tòa cấp cao, VK lại không được nhận 300 tr. vì: Người bán nhà nói là khi trả tiền, có mặt 2 người. Tuy nhiên, giấy nhận tiền chỉ có chữ ký của N.. Trước đó, N. nại là tiền mua nhà do N. xoay xở trả. Các bản in thư chuyển tiền từ mạng ra, không được nhà mạng xác thực, nên không được coi là chứng cứ hợp pháp. Như vậy, VK thua có lẽ do chứng cứ.
Tóm lại, chia tay đòi quà là một mớ bong bong. Tòa cũng mâu thuẫn. Người viết cho rằng vẫn có thể nhận được tiền nếu đương sự chứng minh được việc tặng tiền là có điều kiện. Điều kiện là để cả 2 hình thành mối quan hệ hôn nhân, giống trường hợp của A2. Khi điều kiện không đáp ứng, bất luận sao thì tiền cũng phải được trả. NN và VK sẽ được nhận tiền nếu trong các thư từ đối tác viết cho họ, cho thấy những người đàn bà cầm tiền để tạo dựng cuộc sống hôn nhân sau này.
Share :