TRANH CHẤP HÔN NHÂN: BẮT GÃ QUẤT NGỰA TRUY PHONG KHÔNG CẦN ADN

TRANH CHẤP HÔN NHÂN: BẮT GÃ QUẤT NGỰA TRUY PHONG KHÔNG CẦN ADN
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương. Bài chỉ mang tính thông tin, không phải lời tư vấn trực tiếp hay gián tiếp –
 
     Một trong những loại vụ việc hôn nhân – gia đình tòa có thể giải quyết là: Xác nhận cha mẹ cho con cái.
     Với người nữ, việc nhờ tòa xác nhận cha của đứa bé, kèm nghĩa vụ cấp dưỡng, là việc khó khăn. Đủ thứ lực cản như là thái độ, định kiến xã hội… Họ cũng là người có đức hi sinh nên có thể âm thầm chịu đựng. Hiện tại, những tấm gương bà mẹ đơn thân thành công cũng là thứ cổ vũ họ sống với hạnh phúc của bản thân và đứa trẻ, không truy cứu chuyện cũ.
     Thực tế là luật sư cũng nên chịu trách nhiệm về những đứa con … không cha.
     Sao? Chẳng nhẽ gã luật sư kiêm nài ngựa?
     Nếu gã không phải là tay quất ngựa Truy Phong, trách nhiệm của gã ( và của một nữ luật sư nào đó – thực sự việc hôn nhân rất hợp với các nữ luật sư ), là đánh giá pháp lý sát với thực tiễn xử chưa? Nếu một bà mẹ đơn thân hỏi về cơ hội thắng thua khi đưa một vụ xác nhận cha cho con ra tòa, luật sư sẽ nghĩ ngay tới chứng cứ. Bà mẹ đơn thân khó lòng có được mẫu ADN. Làm sao để có được vài ba sợi tóc có chân tóc, hoặc mẩu móng tay cuộn lại bằng hạt đỗ xanh đặc? Rồi miếng bông có nước bọt? Có mẫu chăng nữa thì đối chiếu với ADN của đối tượng thế nào? Rồi cách lấy mẫu liệu có được tòa cho là hợp pháp không? Khó khăn theo hướng xác định ADN khiến luật sư hướng khách hàng nữ - bà mẹ đơn thân – đến lựa chọn: Không nên ra tòa.
     Vụ việc thực tế này khiến các bà mẹ đơn thân có nhu cầu, và luật sư của họ, nghĩ lại: Khoảng đầu 2018, tòa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định một người đàn ông là bố đứa trẻ. Bố mẹ đứa trẻ quen nhau, chung sống như vợ chồng một thời gian. Bố đứa trẻ đã có gia đình. Anh nói anh không hạnh phúc và sẽ ly dị để cưới cô gái. Sau này, khi cô gái mang thai, sinh con, anh không nhận là cha đứa trẻ, không đứng tên khi khai sinh. Mẹ đứa trẻ kiện ra tòa. Tại cấp sơ thẩm, bố đứa trẻ hoàn toàn vắng mặt. Tòa vẫn tuyên anh là bố đứa trẻ và có trách nhiệm cấp dưỡng. Anh cho rằng tòa vi phạm cả về thủ tục và nội dung khi tuyên mà không đủ chứng cứ. Vụ án đưa lên phúc thẩm. Tòa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn tuyên y án sơ thẩm.
     Như vậy, trong vụ trên:
- Có lẽ mẹ đứa trẻ đã không có mẫu ADN. Nếu có, do bố đứa trẻ không cung cấp mẫu đối chiếu ( vì vắng mặt tại tòa ) nên tòa không dùng kết quả ADN làm căn cứ.
- Các chứng cứ khác: Ảnh, file ghi âm, lời khai người làm chứng… một số là chứng cứ gián tiếp ( lời khai người chứng ), vẫn đủ để tòa tuyên.
     Từ đó có thể thấy, việc chuẩn bị, sắp xếp chứng cứ logic, việc trình bày của nguyên đơn… là rất quan trọng, có thể là quyết định dẫn tới chiến thắng tại tòa.