TRANH CHẤP HÔN NHÂN: 6 ĐIỀU NÊN CÓ NẾU KÝ HỢP ĐỒNG ĐẺ THUÊ

TRANH CHẤP HÔN NHÂN: 6 ĐIỀU NÊN CÓ NẾU KÝ HỢP ĐỒNG ĐẺ THUÊ
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Về việc mang thai hộ thì pháp luật đã có quy định. Theo đó, chỉ những cặp vợ chồng hiếm muộn mới được nhờ mang thai hộ. Người vợ phải có xác nhận của bệnh viện là không thể mang thai ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Vợ chồng đang không có con chung. Vợ chồng phải được tư vấn tâm lý, y tế, pháp lý. Về phía người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng người nhờ mang thai hộ. Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Tuổi phù hợp và có xác nhận của bệnh viện về khả năng mang thai hộ. Nếu người mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng. Người được nhờ mang thai hộ cũng phải được tư vấn về tâm lý, y tế, pháp lý. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái quy định pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Hai bên, nhờ và được nhờ, phải thỏa thuận và lập thành văn bản có công chứng.
Việc mang thai hộ như vậy giống như cánh cửa pháp luật đã mở, nhưng mở hé. Quy định của luật cũng tốt. Theo luật định thì người nhờ mang thai được xác định là cha mẹ của trẻ sẽ chào đời, phải chi trả chi phí y tế, bị bắt buộc phải nhận con. Người mang thai hộ cũng bị buộc phải giao con. Tuy nhiên, do mở hé, nó không giải quyết được nhu cầu “ thuê đẻ - đẻ thuê “ trong xã hội. Dễ dàng tìm thấy người sẵn sàng “ đẻ thuê “ trên mạng. Các đường dây có người điều hành, tìm kiếm nhu cầu được lập ra. Tháng 8/2019, công an Hà Nội truy tố một nhóm tổ chức mang thai hộ vì tiền. Điều tra thấy khách hàng của nhóm, ngoài các cặp vợ chồng hiếm muộn, còn cả người độc thân không muốn lập gia đình. Rủi ro “ đẻ thuê “ quá rõ. Nào khi đang mang thai, vợ chồng người “ thuê đẻ “ ly dị, rồi việc chăm sóc y tế, nhất là khi người “ đẻ thuê “ được một “ bà trùm “ quản lý...
Trong mọi trường hợp, có văn bản còn hơn không. Phải nói trước là nếu việc “ thuê đẻ - đẻ thuê “ được lập thành hợp đồng, hiệu lực hợp đồng có không, có đến đâu là điều tranh cãi. Nếu có tranh chấp, tùy từng tòa án, không chắc là tòa thụ lý giải quyết. Dù sao, hợp đồng “ thuê đẻ - đẻ thuê “ có tác dụng làm tin, ràng buộc các bên ở mức độ nhất định. Có một trường hợp của bạn đồng nghiệp người viết, các bên “ thuê đẻ - đẻ thuê “ chỉ làm việc khi có văn tự ký tá.
Cứ theo bạn đồng nghiệp của người viết, có mấy lưu ý khi các bên cứ muốn lập hợp đồng này là:
1.Tiêu đề văn bản nên là “ Hợp đồng tài trợ bà mẹ trong thời kỳ mang thai và chăm sóc thai nhi “, “ Hợp đồng hỗ trợ mang thai “ hay cái gì đó tương tự. Tránh huỵch toẹt kiểu “ Hợp đồng đẻ thuê “.
2.Xác định số tiền tài trợ, cách trả, từng lần trả.
3.Bên “ thuê đẻ “ nên giành lấy quyền là yêu cầu bên “ đẻ thuê “ áp dụng biện pháp y tế thích hợp, kiểm soát các biện pháp y tế đó ( thuê bác sỹ chăm sóc ).
4.Bên “ đẻ thuê “ giành quyền yêu cầu thăm khám, áp dụng biện pháp y tế thích hợp.
5.Xác định nghĩa vụ giao nhận đứa trẻ khi sinh ra, cũng như cam kết hợp tác hết sức để đứa trẻ sinh ra là con hợp pháp của vợ chồng “ thuê đẻ “.
6.Bên “ đẻ thuê “ cam kết từ chối mọi quyền dân sự liên quan đến đứa trẻ, ví dụ quyền truy nhận mẹ cho con, thừa kế...
v.v...
Nói chung, đây là loại hợp đồng phức tạp nhạy cảm, các Bên nên tham khảo ý kiến luật sư, và cũng nên hiểu hợp đồng chỉ nhằm giảm thiểu rủi ro, khả năng thiệt thòi cho một bên vẫn có.