TRANH CHẤP DÂN SỰ: PHẢN ĐÒN XIẾT NHÀ CỦA NHÀ BĂNG

TRANH CHẤP DÂN SỰ: PHẢN ĐÒN XIẾT NHÀ CỦA NHÀ BĂNG
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, chỉ có tính trao đổi nhận thức dựa trên thông tin công khai, không phải là lời tư vấn trực tiếp hay gián tiếp -
     Nhà ở hình thành trong tương lai ( nhà tương lai – người viết ) đáng xem là phát minh pháp lý vĩ đại của giới ngân hàng và bất động sản.
     Nhà tương lai, hiểu đơn giản nhất, là nhà đang xây ( nếu xây xong thì chưa nghiệm thu, bàn giao ) và chưa có Giấy Chứng nhận Quyền sở hữu nhà - Quyền sử dụng đất.
     Chủ đầu tư có thể thế chấp quyền sở hữu nhà tương lai để vay tiền ngân hàng xây chính căn nhà.
     Sự vĩ đại của phát minh là đã giải quyết dứt điểm câu hỏi “ tiền đâu? “. Với nguồn tiền ngân hàng ( thực chất tiền dân chúng ), chiếm phần lớn số tiền cần thiết để xây công trình tương lai, chủ đầu tư có thể có tiền xây không chỉ một mà nhiều tòa nhà, khu complex, resort, bồng lai hạ giới…
     Thực tế thì khi chủ đầu tư không cáng nổi khoản vay ngân hàng, nhiều cư dân tòa nhà thành kẻ vạ lây.
- Ngày 24/5/2016, cư dân The Harmona quận Tân Bình, tp HCM nhận được thông báo của BIDV Bắc Sài Gòn sẽ thu hồi nhà họ đang ở. Một số người đã trả 97% số tiền cho chủ đầu tư. Lý do chủ đầu tư nợ không trả nổi ngân hàng và tòa nhà đã được thế chấp.
- Khoảng 10/2017, hàng trăm người đóng tiền vào Khu 584 Tân Kiên, Bình Chánh, tp HCM sốc khi biết BIDV thu hồi nhà để bán đấu giá lấy tiền bù đắp tiền vay chủ đầu tư không trả nổi.
- Tương tự vậy, khoảng 06/2018, dân cư Ruby Land, Tân Phú, tp HCM nhận được thông báo thu hồi  nhà từ BIDV bán đấu giá trả khoản chủ đầu tư nợ.
.v.v…
     Ba ví dụ đều của BIDV. Ngân hàng này có đội ngũ chuyên gia pháp lý tốt. Nghe nói nó có nhiều chỗ cho dân học luật. Có lẽ vì vậy, nó mạnh mẽ trong việc xiết nhà. Không riêng BIDV, nhiều ngân hàng cũng tính xiết nhà kiểu này. Cơ sở pháp lý của việc này:
- Quy định chung trong luật dân sự. Nếu chủ đầu tư và ngân hàng cho vay có thỏa thuận về điều kiện, cách xiết nợ thì cứ thế mà làm.
- Quy định riêng tại Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu ngày 21/6/2017, hiệu lực 15/8/2017. Nghị quyết cho phép ngân hàng thu hồi tài sản bảo đảm của con nợ.
     Về rủi ro của cư dân được nhiều chuyên gia ngân hàng khẳng định, ví dụ chuyên gia Nguyễn Chí Hiếu cho là cư dân hoàn toàn có thể mất nhà. Một số luật sư chuyên ngân hàng, như Trương Thanh Đức, cũng cho là như vậy.
     Có phải vậy không? Cư dân không còn “ cửa “ gì sao? Hàng trăm người sẽ mất nhà, phá sản?
     Người viết tôn trọng các chuyên gia và luật sư. Người viết cho là tình huống luật nên được giải đa tuyến. Dùng luật như ngân hàng nói trên là cách dùng đơn tuyến, đánh cờ một người. Phía cư dân luôn có bài “ chơi “ lại. Cụ thể: Cư dân nên tính kiện ngược ngân hàng. Khi ngân hàng xiết nhà, họ sẽ có văn bản dán ở khu nhà. Cư dân nên coi đây là chứng cứ cho việc xâm phạm quyền sở hữu của mình. Ngay cả khi họ chưa có Sổ Đỏ, việc họ ký hợp đồng, đóng tiền cần được coi là đã có một dạng quyền sở hữu  tài sản, có thể gọi là quyền sở hữu tương lai với nhà.
     Đơn kiện gửi tòa án nơi có bất động sản, hoặc nơi ngân hàng có chi nhánh. Trong đơn đưa ra yêu cầu rõ ràng: Đề nghị tòa tuyên buộc ngân hàng chấm dứt hành vi vi phạm là xiết nhà để đấu giá. Hành vi này xâm phạm tới quyền sở hữu nhà tương lai của họ.
     Cơ sở pháp lý việc này:
- Quy định luật dân sự cho phép kiện chấm dứt hành vi vi phạm.
- Quy định luật tố tụng dân sự là tòa án phải giải quyết vụ kiện về tài sản. Ít ra tòa án không được phép không thụ lý.
- Vi phạm luật dân sự khi chủ đầu tư và ngân hàng kí hợp đồng thế chấp đã lờ đi sự có mặt của người thứ ba là cư dân.
- Phù hợp chính Nghị quyết 42 khi nó nói rằng ngân hàng chỉ được bán tài sản thế chấp không có tranh chấp.
- Triết lý luật pháp là ưu tiên bảo vệ lợi ích số đông. 
    " Cửa “ của cư dân trong loại việc kiểu này là hành động. Khi kiện ngược ngân hàng, cư dân vẫn có thể thua, nhưng ít ra họ đẩy được đến tình thế xung đột giữa chính quy định pháp luật. Tòa án không biết căn cứ luật nào giải quyết, và do đó, phải chờ văn bản hướng dẫn.
     Cư dân cũng có thể thu hút được sự ủng hộ của xã hội.
     Và họ có thể làm chậm lại quá trình mất nhà, hoặc khiến việc đó không bao giờ xảy ra.
     Họ cũng có thể cho kẻ mạnh thấy đang dây vào ai.