TIẾP TỤC VỤ OCEAN BANK: THAY ĐỔI TỘI DANH, THẾ NÀY NGƯỜI LÀM NGÂN HÀNG NGUY QUÁ

Từ 8/3/2017, vụ OCEAN Bank được trả lại để điều tra bổ xung. Sau một thời gian khẩn trương làm việc, cơ quan điều tra đã thay đổi một số tội danh, khởi tố thêm một số người.Nguyễn Xuân Sơn và Hà Văn Thắm bị khởi tố thêm tội tham ô. Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, Nguyễn Thị Minh Thu – nguyên Tổng Giám đốc OCEAN Bank, Phạm Hoàng Giang – nguyên Tổng Giám đốc Công ty BSC cũng bị thay đổi tội danh từ tội “ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ “ sang tội “ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản “. Bị can Hoàng Thị Hồng Tứ - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty BSC bị khởi tố bổ sung tội “ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản “.

Một số người như Phạm Công Danh, Trần Văn Bình, Hứa Thị Phấn cũng bị khởi tố.

Là người từng tham gia bào chữa vụ OCEAN Bank hồi tháng 03/2017, việc Phạm Hoàng Giang và Hoàng Thị Hồng Tứ bị khởi tố tội “ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản “ khiến chúng tôi lo ngại và cám cảnh cho họ. Mặt khác, theo chúng tôi những người đang làm ở các ngân hàng lại bị đặt vào nguy cơ bị dính líu vào các vụ án hình sự, nếu như không ai chỉ ra được rằng việc họ làm chỉ mang bản chất kinh tế - dân sự.

Công ty BSC mà Phạm Hoàng Giang và Hoàng Thị Hồng Tứ  liên quan thực chất là công ty của Hà Văn Thắm. Công ty này có vai trò tư vấn thủ tục vay ngân hàng cho các khách hàng. Các khách hàng này không đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay. Tuy nhiên, nếu qua Công ty BSC tư vấn, các khách hàng này sẽ được OCEAN Bank cho vay ( thực ra thì không phải bất cứ ai cũng được cho vay, chỉ những khách hàng có tài sản thế chấp có giá trị như nhà – đất hợp pháp mới được cho vay ). Đổi lại, các khách hàng phải mất một khoản phí đáng kể gọi là phí tư vấn. Toàn bộ tiền thu được, Công ty BSC chuyển lại cho Hà Văn Thắm.

Cơ quan điều tra cho rằng Hà Văn Thắm đã lập công ty “ sân sau “ để bòn rút từ khách hàng, những người mà thực chất không có nhu cầu tư vấn và chưa nhận được một tư vấn nào từ Công ty BSC.

Tại phiên tòa tháng 03/2017, Hà Văn Thắm cho rằng việc thành lập Công ty BSC và thu phí như vậy là rất bình thường trong ngành ngân hàng. Các ngân hàng khác đều có các công ty kiểu này. Hoàng Thị Hồng Tứ - một cựu sinh viên Đại học Sân khấu – Điện ảnh – cho rằng không biết gì về việc bòn rút khách hàng của Công ty BSC. Người ta đưa gì thì cô ta ký. Ký để giúp “ anh Thắm ‘. Phạm Hoàng Giang – một luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội, có bằng Tiến sỹ Luật – đáng tiếc là không chỉ ra được bản chất kinh tế - dân sự của việc thu phí của Công ty BSC.

Theo chúng tôi: Đúng là như Hà Văn Thắm nói, các ngân hàng lập ra nhiều công ty kiểu này để thu phí khách hàng. Nếu không phải là tư vấn về hồ sơ vay, thì cũng là tư vấn mua tài sản đấu giá. Các ngân hàng lập ra công ty “ sân sau “. Bộ máy công ty “ sân sau “ do ngân hàng nuôi. Các ngân hàng còn đặt ra rất nhiều khoản phí mà thực chất họ chẳng làm gì, đem lại lợi ích nào cho khách hàng. Khách hàng vẫn chấp nhận trả các loại phí đó. Nếu quý vị thử vào một website ngân hàng bất kỳ, quý vị sẽ thấy hoa mắt về các loại phí mà ngân hàng đặt ra, nào chuyển khoản khác hệ thống, chi hộ lương, phí giao dịch chuyển tiền đi nước ngoài, phí chậm bổ sung chứng từ bản chính … Không có văn bản pháp luật nào cấm các loại phí này. Thực chất, gọi là “ phí “, nhưng đây là các khoản mà ngân hàng đặt ra và khách hàng mặc nhiên chấp nhận. Chúng vẫn nằm trong khuôn khổ quan hệ kinh tế - dân sự. Ngân hàng tranh thủ thu được tiền. Khách hàng chấp nhận mất cho ngân hàng một khoản để theo đuổi những lợi ích lớn hơn. Hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc ai.

Việt Nam xác định tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường. Các quy luật có thể kể ra là cung – cầu, hoặc một thứ khác được mô tả là “ lý thuyết trò chơi “: Các bên tham gia trò chơi chấp nhận một khoản chi phí để giành được lợi ích lớn hơn. Trường hợp OCEAN Bank với khách hàng chúng tôi tạm gọi là “ dưới chuẩn “ thì: OCEAN Bank vừa bán được vốn, vừa thêm thu nhập. Khách hàng thì có một nguồn vốn vay mà họ không kiếm được ở các ngân hàng khác. Một dạng thỏa thuận tự nguyện, hai bên cùng có lợi, không vi phạm pháp luật. Suy cho cùng thì đây là kiểu chơi “ cùng thắng “. Điều này giải thích tại sao không hề có công ty “ dưới chuẩn “ nào đã nhận tiền vay từ OCEAN Bank làm đơn kiện đòi lại tiền đã đưa cho họ.

Việc Phạm Hoàng Giang và Hoàng Thị Hồng Tứ bị khởi tố cũng cho thấy một nguy cơ chung cho các nhân viên ngân hàng ở Việt Nam: Họ có thể rắc rối với cơ quan điều tra bất cứ lúc nào. Trong trường hợp này, “ phí “ mà ngân hàng và khách hàng đồng ý trả thực chất là một dạng quan hệ “ cùng thắng “ mà ai cũng muốn chơi. Nói cách khác, thỏa thuận này hoàn toàn có tính dân sự - kinh tế. Ngân hàng và công ty vay đều có lợi. Vấn đề trả lại khoản phí đã nhận chỉ được đặt ra khi tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu và khách hàng “ dưới chuẩn “ đâm đơn kiện đòi tiền.

Việc hiểu sai bản chất quan hệ sẽ dẫn tới lầm tưởng về việc một tội danh đã được lập thành. Chính vì vậy mới nói: Nhân viên ngân hàng có thể gặp rắc rối khi bị kết tội bất cứ lúc nào và họ phải trả một cái giá không nhất thiết đắt đến vậy.
 
Nguồn : Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương và chỉ phản ánh quan điểm chủ quan của người viết lúc viết bài