THIẾU SÓT KHI KHÔNG DÙNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT: PHÉP NHÂN VỚI SỐ KHÔNG.
THIẾU SÓT KHI KHÔNG DÙNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT: PHÉP NHÂN VỚI SỐ KHÔNG.
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương –
Gần đây xảy ra một số sự cố. Những sự cố của những công ty tên tuổi, doanh nhân thế lực. Nếu không có những sự cố này, doanh nghiệp của họ sẽ thu được rất nhiều tiền, tiếp tục phát triển.Điểm chung của những sự cố, theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, đó là việc lãnh đạo doanh nghiệp chớp cơ hội kinh doanh quá nhanh, đến mức thiếu đi việc tham vấn chuyên gia pháp lý.
Trước tiên, chúng tôi muốn nói tới vụ Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An xây công trình quy mô và xâm hại tới khu di tích Tràng An. Công ty bỏ nhiều tiền để khoan núi, xây đường, xây cầu… để du khách có thể đến một số điểm trong di tích Tràng An, Ninh Bình. Việc leo hành lang lên những ngôi chùa thiêng trong khu di tích, ngắm kỳ quan thế giới từ trên cao, cung cấp các dịch vụ liên quan… là ý tưởng kinh doanh nhạy bén. Công ty thực hành ý tưởng này bán vé cho khách tham quan 45 000 đ/người. Công ty cũng tung ra một chương trình quảng cáo quy mô. Nói chung, tiền bỏ ra kinh doanh không nhỏ. Doanh số thu về đang rất hứa hẹn. Vấn đề chỉ là công ty chưa tính đến một ít các quy phạm pháp luật nằm đâu đó trong luật về du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng, đầu tư, thương mại … Sau khi đài báo lên tiếng, Bộ VHTT – DL can dự yêu cầu công ty phải tháo dỡ công trình đã xây.
Sau đó, chúng tôi muốn nói tới vụ Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai mua được lô đất rẻ nhưng sau này Thành ủy tp HCM lên tiếng cần xem lại việc mua bán. Giữa năm 2017, Quốc Cường mua được 32,4 ha đất từ một công ty tên là Tân Thuận. Giá bán 1,9 tr/m2, tổng giá trị 632 tỷ đồng ( có VAT ).Việc mua như vậy với một tài sản ( 1 m2 đất ) có giá thật khoảng 20 tr theo người dân ở đây nói, là nỗ lực quá xuất sắc về kinh doanh. Cơ hội đã được các doanh nhân chớp lấy. Doanh số và lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản hứa hẹn rất đáng kể. Vấn đề là công ty Tân Thuận thuộc Thành ủy tp HCM. Khi vụ mua bán xảy ra, thường trực thành ủy không được báo cáo.
Cuối cùng, chúng tôi muốn nói tới vụ Mobi Fone mua AVG. Các công ty định giá nói AVG có giá 15 000 tỷ đến hơn 30 000 tỷ. Mobi Fone đàm phán và mua được AVG giá 7800 tỷ. Một cơ hội kinh doanh được chớp lấy. Và, Thanh tra Chính phủ can thiệp đưa ra kết luận AVG có giá khoảng trên dưới 1000 tỷ. Theo Thanh tra Chính phủ, việc Mobi Fone mua giá rẻ hơn giá được công ty định giá xác định thì vẫn hiện hữu nguy cơ nhà nước mất khoảng 7000 tỷ đồng. Vụ việc đang được đưa qua công an và Bộ Công an tuyên bố tiếp nhận xem xét. Vấn đề pháp luật là việc định giá không dựa trên nguyên tắc và phương pháp được luật Việt Nam thừa nhận ( đó là Thanh tra Chính phủ nói thế ).
Vướng mắc ở những vụ trên có lẽ đều là một chút mắc mớ về pháp luật. Từ kinh nghiệm của chúng tôi, luật sư tư vấn cho các doanh nghiệp ở Việt Nam bắt đầu có chỗ đứng. Tuy nhiên, chỗ đứng đó xứng đáng chưa là điều mà chính các luật sư tư vấn nên tiếp tục phấn đấu. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt cảm thấy cần có luật sư tư vấn bên cạnh. Họ thuê luật sư. Luật sư làm việc tích cực và hiệu quả. Sau một thời gian, doanh nghiệp thấy luật sư không ra tiền, mà chỉ tiêu tiền. Các mẫu hợp đồng đã được soạn, các quy chế đã được lập thành. Doanh nghiệp đi vào guồng. Lúc đó thì luật sư thường nhận được một lời cảm ơn và đề nghị là khi nào có việc gì liên quan đến pháp luật thì sẽ gọi luật sư trước tiên.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là phép nhân của các yếu tố: Sản phẩm, thị trường, người lao động, quá trình quản lý chất lượng và yếu tố pháp luật. Yếu tố pháp luật, có lẽ chưa thể quan trọng bằng các yếu tố khác, nhưng lại bị bỏ qua, và như vậy có giá trị là 0 thì hẳn nhân với cái gì khác cũng chỉ bằng 0.
Một số vụ việc, như kiểu vụ AVG trên, có thể mở ra cơ hội việc làm của các luật sư chuyên trợ giúp cho người có việc ra tòa.
Share :