NGƯỜI ĐƯỢC TÒA ÁN BẤT NGỜ TRIỆU ĐẾN TÒA VÀ CÁCH ĐỐI PHÓ CỦA HỌ NÊN RA SAO?
NGƯỜI ĐƯỢC TÒA ÁN BẤT NGỜ TRIỆU ĐẾN TÒA VÀ CÁCH ĐỐI PHÓ CỦA HỌ NÊN RA SAO?
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương –
Thành thực mà nói, việc xét xử ở Việt Nam vẫn mang nặng tính thẩm vấn. Tuy nhiên, tính tranh luận dần được coi trọng. Tòa án độc lập với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát. Điều này thể hiện ở việc: Nếu tòa án thấy cần gọi hỏi thêm đối tượng nào đó, tòa sẽ ra văn bản triệu tập. Đối tượng này có thể chưa từng xuất hiện tại giai đoạn điều tra. Đối tượng này nếu đã được điều tra viên hỏi rồi, thì những câu hỏi ở tòa cũng có thể rất khác. Những câu hỏi này có thể được thẩm phán hỏi, hoặc luật sư hỏi.
Các luật sư cũng thường đưa yêu cầu triệu tập người này người kia lên tòa. Những yêu cầu này được tòa xem xét thỏa đáng và nhiều lần được chấp nhận.
Việc gọi hỏi các đối tượng chưa từng có lời khai tại công an từng xảy ra trong vụ Ocean Bank. Vị cựu kế toán trưởng của một tập đoàn kinh tế lớn được tòa gọi hỏi. Kết quả là sau hôm lên tòa, vị này bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tham ô.
Tại phiên phúc thẩm vụ ông Đinh La Thăng, tòa cho gọi ông Hồ Công Kỳ, chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam ( PVPower ) “ để làm rõ nhiều nội dung quan trọng “.
Trong vụ án chạy thận 8 người chết tại Hòa Bình, luật sư đề nghị áp giải ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc bệnh viện đa khoa Hòa Bình lên tòa làm rõ một số vấn đề. Tiếc là đề nghị này không được tòa đáp ứng.
Trong một vụ án trộm cắp mà chúng tôi là luật sư bào chữa, luật sư yêu cầu triệu tập đến tòa một số người. Tòa đáp ứng bằng cách ra quyết định triệu tập. Tuy nhiên, những người này không đến. Hậu quả là tòa ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nội dung tòa yêu cầu bổ sung là lấy lời khai của những người này.
Từ thực tiễn trên cho thấy, việc đột nhiên bị gọi hỏi là một việc nghiêm trọng. Người bị gọi hỏi thậm chí có nguy cơ bị khởi tố hình sự. Khi nhận được yêu cầu đến tòa, người bị gọi hỏi thường lo lắng. Tại tòa, một số trường hợp họ mất phương hướng dẫn đến hậu quả mà theo chúng tôi có thể tránh được, như trường hợp của vị kế toán trưởng vụ OCB chúng tôi dẫn.
Đối phó với việc gọi hỏi, người bị gọi hỏi nên làm gì? Theo chúng tôi:
-Người bị gọi hỏi nên đến tòa. Ai cũng muốn chứng minh mình trong sạch. Một trong những biểu hiện của người trong sạch khi ra công đường, theo Hàn Phi Tử, triết gia Trung Hoa nổi tiếng, là: Khi được quan trên gọi đến thì đến nhanh chóng. Khi đến giờ ra về thì nấn ná tranh thủ trình bày thêm việc của mình.
-Người bị gọi hỏi nên có sự chuẩn bị. Họ cần luật sư để trao đổi câu hỏi có thể bị hỏi, cách trả lời và thậm chí tập trả lời. Thậm chí luật sư nên cùng đi với họ ra tòa để trấn an họ và kiểm soát tình hình, tránh tình huống phát triển ngoài ý muốn.
-Người bị gọi hỏi cần bình tĩnh trả lời tất cả các câu hỏi, của tòa, của luật sư tham gia phiên tòa. Không nhất thiết phải gay gắt khi bị luật sư hỏi. Nên tiếp tục tỏ ra kiên nhẫn, giải thích việc theo hướng có lợi nhất cho mình. Nhắc đi nhắc lại nội dung có lợi đó. Chính điều này là sự “ nấn ná “, “ tranh thủ “ như chúng tôi vừa nói.
Nói chung, người bị gọi hỏi chỉ có thể tránh được việc bị biến thành bị can khi có sự chuẩn bị và thể hiện tốt tại tòa.
Share :