NẾU LÃI SUẤT BỊ NÂNG VÌ ĐÃ TRÓT VAY GÓI 30 000 TỶ, KIỆN ĐƯỢC KHÔNG?

Gần đây, thông tin sau ngày 01/06/2016 các ngân hàng sẽ ngừng giải ngân gói vay 30 000 tỷ đồng đã gây shock cho những người trót vay. Những người này chỉ được hưởng lãi suất ưu đãi 6%/năm cho những khoản đã giải ngân trước 01/06/2016. Sau ngày đó, những khoản giải ngân tiếp theo sẽ được áp mức lãi suất thương mại, có lẽ 9 – 10%/năm. Dù sao thì đây cũng là suy đoán.

Có người cho rằng nội dung này đã ghi rõ trong hợp đồng vay. Người vay không đọc kỹ thì phải chịu. Một số người có ý đổ lỗi cho người môi giới của công ty bất động sản, hoặc nhân viên ngân hàng đã không giải thích rõ. Một luật sư có tiếng về ngân hàng, trả lời câu hỏi của nữ phóng viên VTV là kiện được không, cũng nói: Tôi khẳng định không kiện được! Từ khẳng định này, cô biên tập viên VTV nói việc người vay tính cửa kiện ngân hàng chẳng khác gì con kiến kiện củ khoai.

Việc này được một báo mạng hỏi một quan chức ngân hàng. Vị này giải thích: Theo khoản 1, điều 2, Thông tư 11/2013/NHNN ngày 15/05/2013 ( Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ – CP ngày 07/01/2013 về một số biện pháp hỗ trợ khó khăn ) đã nói rõ: “ Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi ngân hàng giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực ( 01/06/2013 ) “. Dựa vào viện dẫn này, vị này nói là phần dư nợ vay giải ngân từ 01/06/2016 trở về trước được hưởng lãi suất ưu đãi ( 6% ), còn phần dư nợ vay giải ngân sau 01/06/2016 sẽ áp lãi suất thương mại. Vị này còn nói: “ Thông tin này không mới, khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định “.

Chúng tôi tự đặt câu hỏi: Người vay có thể kiện yêu cầu giữ nguyên mức lãi suất 6%/năm trong cả quá trình vay, có thể là 5,10,15 năm hay không? Câu trả lời: Có thể chứ! Lý do như sau:

-Vị quan chức ngân hàng mới chỉ dẫn nội dung có lợi cho quan điểm đẩy lãi suất sau 01/06/2016 ( mà có lợi là do vị ấy hiểu thế ). Xem lại Thông tư 11/2013/NHNN, chúng tôi thấy điều 4 ghi:

“ 1. Mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng năm và áp dụng cho các khoản vay có dư nợ trong năm.

2. Mức lãi suất áp dụng trong năm 2013 là 6%/năm.

3. Định kỳ vào tháng 12 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lại mức lãi suất áp dụng cho năm tiếp theo, bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm.

4. Thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay nêu tại Điều này tối đa 10 năm đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp, nhưng không vượt quá thời điểm 01/06/2023.”

Như vậy chắc quý vị cũng thấy: Nội dung vị quan chức kia nói chỉ là đến hết 01/06/2016 ngừng giải ngân gói 30 000 tỷ. Không có nội dung nào nói mức lãi suất có thể lên 9 – 10%. Ngược lại ở đoạn mà chúng tôi trích, lại có qui định rằng  mức lãi suất tối đa chỉ 6% cho tới tận 01/06/2023.

Về vấn đề lãi suất là bao nhiêu sau 01/06/2016, 6% hay 9 – 10%, đã có mâu thuẫn trong cách hiểu. Người nói 6%, kẻ bảo có thể 9 – 10%. Giả định một người vay của ngân hàng theo gói 30 000 tỷ. Sau 01/06/2016, người này bị ngân hàng áp lãi suất thông thường, 10%/năm chẳng hạn, nếu người này kiện ngân hàng, bên thứ ba là Tòa án sẽ vào cuộc phân xử. Cũng cần nói thêm rằng trong hợp đồng vay, ngân hàng đã đề cập tới việc lãi suất có thể tăng ( hơn mức 6%/năm ).

Cơ sở pháp lý để phân xử là Thông tư 11/2013/NHNN. Tuy nhiên, do trong thông tư, điều 2 cho phép áp lãi suất 10%/năm ( như vị quan chức ngân hàng nói ), điều 4, khoản 4 lại nói mức lãi suất không quá 6%/năm được áp tới 01/06/2023, nên Tòa án phải làm công tác giải thích hợp đồng. Vậy việc giải thích hợp đồng diễn ra theo nguyên tắc nào?

-         Trong hợp đồng vay, ngân hàng thòng khả năng tăng lãi suất quá

6%/năm. Do đã trót ký vào hợp đồng, người vay được cho là phải chấp nhận trả thêm lãi. Tuy nhiên, nên biết trong hợp đồng dân sự, không phải lúc nào các bên cũng có vị thế kinh tế, và do đó là vị thế pháp lý, bình đẳng nhau. Có một thứ được gọi là hợp đồng gia nhập. Trong hợp đồng gia nhập, một bên có vị thế kinh tế và pháp lý lớn lấn át bên kia. Bên kia không được phép đàm phán gì  mà chỉ đơn giản đặt bút ký vào. Ví dụ, hợp đồng cung cấp điện giữa nhà điện và hộ dân, hợp đồng cung cấp nước giữa nhà máy nước và người dùng, hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông của công ty viễn thông và người dùng .v.v… là hợp đồng gia nhập. Nếu thích dùng điện, dùng nước, dùng điện thoại … người ta chỉ nên đặt bút ký hợp đồng ( đã được soạn theo lố ) và trả tiền. Không ai công hơi đâu đi đàm phán từng cái hợp đồng điện với từng người. Tương tự như vậy, hợp đồng tín dụng cũng là dạng hợp đồng gia nhập. Người vay chỉ có thể đặt bút ký vào hợp đồng mẫu do ngân hàng đưa. Không thích vay thì thôi, không được đàm phán lại. Trong hợp đồng tín dụng, bên mạnh – củ khoai như cô biên tập viên VTV ám chỉ - là ngân hàng, bên yếu – con kiến – là người vay.

Duy chỉ có điều là khắp nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam, trong trường hợp có tranh chấp người mạnh – kẻ yếu trong hợp đồng dân sự, thì luật đều quy định Tòa án sẽ giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho kẻ yếu. Điều 409 Bộ luật Dân sự về giải thích hợp đồng dân sự có ghi: “ … Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế, thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế. “.

Như vậy, nếu người vay kiện ra Tòa và yêu cầu Tòa giải thích nội dung hợp đồng vay cho phép ngân hàng đẩy lãi suất cao hơn, với lý do là nội dung này có hai cách hiểu nếu chiểu theo quy định pháp luật ( Thông tư 11/2013/NHNN ), nguyên tắc bênh vực kẻ yếu có thể được áp dụng. Tòa vẫn có thể giải thích có lợi cho người vay, tức là khẳng định mức lãi suất thấp 6%/năm vẫn có thể áp dụng dựa vào chính quy định pháp luật.

Con kiến vẫn có thể thắng củ khoai.

Tất nhiên, những gì liên quan tới khoản vay 30 000 tỷ chưa ngã ngũ. Thủ tướng Chính phủ đã nhận được yêu cầu từ phía Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến về thời hạn gói vay. Hi vọng quyền lợi người vay vẫn được đảm bảo. Họ không phải trả thêm lãi suất theo kiểu sự đã rồi.


Nguồn : Luật sư Lê Vinh