MÔI TRƯỜNG KINH DOANH VIỆT NAM TỪ VỤ LY HÔN NGHÌN TỶ CỦA ĐẠI GIA ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ
Vnexpress 17/07/2016 đưa tin: Ngày 13/07/2016, Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương ra quyết định hủy bỏ quyền đại diện theo pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ ( Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên ) tại Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên. Quyết định này hủy giá trị Giấy Chứng nhận Đặng ký Kinh doanh lần thứ 8 ngày 21/04/2016 theo đó ông Vũ là người đại diện theo pháp luật. Với quyết định này, giá trị pháp lý của Giấy Chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp lần thứ 7 được khôi phục mà người đại diện theo pháp luật là bà Lê Hoàng Diệp Thảo – vợ ông Vũ.
Quyết định này dựa trên Công văn ngày 13/05/2016 của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, vợ ông Vũ gửi đơn tới UBND, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký Kinh doanh ban hành ngày 21/04/2016 với lý do chờ kết quả giải quyết của tòa về việc ly hôn giữa bà và ông Vũ.
Vụ việc kéo dài từ cuối năm 2015 khi Trung Nguyên tạm ngừng cung cấp cà phê hòa tan với lý do bảo trì máy móc. Sau đó bà Thảo có văn bản gửi đối tác, cơ quan quản lý cho biết nguyên nhân chính là đang có tranh chấp giữa vợ chồng bà. Theo bà, trong thời gian chờ tòa án giải quyết ly hôn, ông Vũ đã tự ý miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty Cà phê hòa tan Trung Nguyên của bà.
Bà Thảo cho rằng, việc làm của ông Vũ là “ không đảm bảo tính pháp lý " vì các lần họp để miễn nhiệm chức danh trên thì chỉ có một mình ông Vũ họp và ra quyết định.
Đây thực sự là một việc đáng tiếc. Việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ, một doanh nhân thành đạt, thiếu hoàn toàn sự phân định giữa tài sản công ty và tài sản gia đình khiến cho một thương hiệu cà phê mà ông dày công gây dựng có nguy cơ không đến được người tiêu dùng. Ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong tác phẩm “ Vì sao chúng tôi muốn bạn giàu “ viết chung với Robert Kyosaki, tác giả “ Cha giàu – Cha nghèo “, đã có một đoạn có tên “ Anh yêu em nhưng hãy ký vào đây nhé “. “ Đây “ là một hợp đồng hôn nhân phân định đâu là tài sản vợ chồng, đâu là tài sản riêng, đâu là sản nghiệp công ty, cách chia chúng nếu ly hôn. Hợp đồng hôn nhân, theo Trump, chính là cách hữu hiệu nhất để tài sản các tỷ phú không bị ảnh hưởng bởi ly hôn.
Hy vọng sẽ có một bản án có lợi cho hai Bên, đồng thời người tiêu dùng vẫn mua được cà phê hòa tan hảo hạng của Trung Nguyên. Tuy nhiên, có đôi điều mà chúng tôi muốn bàn với quý vị về môi trường kinh doanh Việt Nam qua vụ việc này.
Môi trường kinh doanh được hiểu là các điều kiện về kinh tế - xã hội – pháp luật ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh. Trong môi trường kinh doanh, các thiết chế như quản lý nhà nước, giải quyết tranh chấp giữ vai trò quan trọng.
Trong vụ việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ, theo quan điểm chủ quan của chúng tôi, việc ngày 21/04/2016, ông có Giấy Chứng nhận Đăng ký Kinh doanh ( sửa lần thứ 8 ) xác định ông là đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên là do chính Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương cấp. Để làm được việc này, nhiều khả năng Sở đã yêu cầu công ty ông Vũ hoàn thành một số thủ tục. Trong số thủ tục đó có thủ tục triệu tập Đại hội đồng Cổ đông. Trong đại hội, nhiều khả năng cổ đông đã biểu quyết để ông Vũ thay cho bà Thảo là người đại diện theo pháp luật. Như báo chí đưa thì cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông biểu quyết ông Vũ thay bà Thảo thì chỉ có ông Vũ họp và ra quyết định. Việc này chẳng có gì bất thường. Điều 142 Luật Doanh nghiệp về thể thức họp và biểu quyết tại Đại hội đồng Cổ đông có ghi: Cuộc họp Đại hội đồng Cổ đông có thể được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết. Trường hợp lần thứ nhất triệu tập không đủ 51% số phiếu biểu quyết thì cuộc họp lần thứ hai phải được triệu tập sau 30 ngày, chỉ cần có 33% tổng số phiếu biểu quyết. Trường hợp lần thứ hai triệu tập vẫn không đủ 33% tổng số phiếu biểu quyết thì cuộc họp lần thứ ba được triệu tập sau 20 ngày ( kể từ lần hai ), không phụ thuộc số phiếu biểu quyết. Khả năng là Công ty Trung Nguyên đã triệu tập đến 3 lần Đại hội đồng Cổ đông. Trong cuộc họp thứ 3, cổ đông ( kể là là chỉ có mình ông Vũ ) đã quyết định ông Vũ là đại diện theo pháp luật. Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương thấy việc cử ông Vũ đại diện theo pháp luật là đúng quy định nên đã cấp đăng ký kinh doanh ngày 21/04/2016.
Nếu như việc cấp đăng ký kinh doanh với nội dung ông Vũ đại diện theo pháp luật là đúng thì Sở Kế hoạch Đầu tư Bình Dương chẳng có cơ sở gì để hủy giá trị đăng ký kinh doanh do chính mình cấp, như đã làm vào 13/07/2016.
Mặt khác, việc hủy bỏ này lại dựa vào một công văn của Tòa Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Từ vụ ly hôn ông Vũ bà Thảo, chúng tôi đoán: Vụ ly hôn phức tạp với tài sản tranh chấp lớn, nằm ở nhiều nơi ( nghe đâu có cả bên Singapore ), nên tòa án tỉnh, thành phố là nơi giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Sau đó Tòa Cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Qua nghiên cứu, chúng tôi không thấy cơ sở pháp luật nào cho phép tòa án có thể ra một công văn, như Công văn 13/05/2016 mà dựa vào đó, Sở Kế hoạch Đầu tư ra quyết định tước tư cách đại diện theo pháp luật của ông Vũ.
Nếu Tòa Cấp cao đang xem xét vụ án, tòa có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng phải bằng một quyết định, chứ không phải công văn. Không có biện pháp khẩn cấp tạm thời nào được nêu ra cho phép kiến nghị hủy quyết định của một cơ quan hành chính.
Đáng ra, Sở Kế hoạch Đầu tư nên đợi bản án có hiệu lực, người được thi hành án làm thủ tục thi hành án thì mới có những động thái tương ứng nhằm tuân thủ phán quyết của tòa.
Theo ý chủ quan của chúng tôi, việc hai cơ quan pháp luật, Tòa Cấp cao và Sở Kế hoạch Đầu tư, một đằng thì ra một văn bản mà luật không cho phép, đằng kia thì dựa chính văn bản luật không cho phép đó để hủy bỏ quyết định của chính mình, thật sự đã làm sự việc thêm rắc rối. Cuối cùng thì rất có thể, doanh nghiệp thiệt vì gián đoạn sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng thiệt vì mất một sản phẩm uy tín.
Như kinh nghiệm chủ quan của chúng tôi, các Sở Kế hoạch Đầu tư ở Hà Nội hay phía Bắc có vẻ không làm gì cả trong trường hợp tương tự cho đến khi bản án phân định tranh chấp nội bộ doanh nghiệp có hiệu lực.
Vì vậy chúng tôi mới mạo muội nói: Môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn rất cần sự cải thiện cho tới khi đạt trình độ đồng bộ, thống nhất.
Nguồn : Bài viết của Luật sư Lê Vinh và thể hiện quan điểm chủ quan của Luật sư.