LÀM SAO ĐỂ GIÀNH QUYỀN NUÔI CON, TỪ TƯ VẤN LUẬT SƯ ĐẾN CÁCH LÀM THỰC TẾ.

LÀM SAO ĐỂ GIÀNH QUYỀN NUÔI CON, TỪ TƯ VẤN LUẬT SƯ ĐẾN CÁCH LÀM THỰC TẾ.
  • Bài tổng hợp của Luật sư Lê Vinh từ tư vấn của một đồng nghiệp đến một bài báo đã được đăng trên một website về gia đình –
Việc giành quyền nuôi con khi ly hôn là cuộc chiến pháp lý, tâm lý phức tạp. Dưới đây là tư vấn của luật sư và cách làm được cho là thực tế của một số người đã thành công.
1.Tư vấn luật sư làm sao giành quyền nuôi con
Câu hỏi và trả lời được chúng tôi lấy từ một web luật của đồng nghiệp. Đồng nghiệp của chúng tôi có kiến thức pháp luật vững vàng, chúng tôi mà trả lời không thể hơn được nội dung mà chúng tôi dẫn dưới đây.
Câu hỏi: Thưa Luật sư tôi chỉ làm công nhân hợp đồng hết việc là công ty cho nghỉ còn chồng tôi làm công nhân nhà nước công việc ổn định. Con trai tôi sinh ngày 29/5/2012 tính đến nay đã hơn 3 tuổi. Liệu ra tòa ly hôn tôi có được quyền nuôi con không? Tôi cũng xin nói thêm lúc trước tôi ly thân chồng 6 tháng tôi đã không mang con theo vì gia đình chồng không cho. Tôi về thăm con thì bị chồng đánh tôi đã không về trong gần 3 tháng. Xin hỏi như vậy tôi có bị khó khăn trong việc nhận nuôi con khi mà có ly hôn chồng tôi cũng không cho nuôi còn dọa dẫm này nọ. Tôi phải làm sao?
Mong luật sư giúp. Tôi xin cám ơn.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật …… chúng tôi, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
 
Thứ nhất, tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
 
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
 
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên… 
2….
 
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
 
Vậy, về nguyên tắc, việc ai là người nuôi con sau khi ly hôn có thể được các bên đương sự (vợ, chồng) tự thỏa thuận với nhau và được tòa án ghi nhận trong bản án. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con khi chưa thành niên (dưới 18 tuổi).
 
Thứ hai, tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
 
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
 
1….
 
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
 
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
…”.
 
Vậy, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng (mức cấp dưỡng tùy theo điều kiện kinh tế hoặc theo thỏa thuận) để người kia chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi trưởng thành.
  
Như vậy, trong trường hợp của chị, chồng chị muốn giành quyền nuôi con và chị cũng muốn giành quyền nuôi con thì tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt và hướng tới tương lai tốt đẹp của con. Các quyền lợi đó có thể là: điều kiện học tập, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, đi lại… người nào có điều kiện tốt hơn về tài sản, thu nhập, công việc … - nói một cách dễ hiểu là có nhiều tiền hơn, thì sẽ có lợi thế hơn trong việc giành quyền nuôi con, trường hợp của chị hiện tại anh chồng đang có lợi thế hơn. Tuy nhiên, người mẹ (vợ) lại thường có lợi thế hơn về mặt tình cảm, đạo đức, phương pháp nuôi dạy con cái. Vậy, nếu như chị chứng minh được chồng chị có những “thói hư tật xấu” như ham vui rượu bia, vũ phu đối với con hoặc không đôn đốc chuyện học hành của con cái… để có ưu thế về giành quyền nuôi con. Trường hợp của chị chúng tôi chỉ có thể tư vấn một cách chung nhất, chị căn cứ vào những gì chúng tôi đã phân tích như trên để xác định mình có lợi thế về việc giành quyền nuôi con hay không. Bởi vấn đề của chị còn phụ thuộc vào phán quyết của tòa án cùng những chứng cứ chứng minh cho lợi thế về quyền nuôi con của chị.
 2.Cách làm thực tiễn làm sao để giành quyền nuôi con
Đây là “ Mưu cao giành quyền nuôi con “ đăng trên a Family từ 5 năm trước, chúng tôi trích nguyên văn:
Chán ngán cả chồng và gia đình nhà chồng, Mỹ (Long Biên, Hà Nội) ôm con gái 4 tuổi ra ngoài thuê nhà chờ làm thủ tục li dị. Đối với cô, con gái là tài sản, là động lực tinh thần lớn nhất nên chỉ cần giành được quyền nuôi con, cô sẵn sàng ra đi tay trắng mà không đòi hỏi quyền lợi tài sản gì.

Nhưng đưa đơn li hôn thì Độ - chồng cô không chịu kí. Mỹ quyết tâm đưa đơn li hôn đơn phương. Chính vì hành động đó khiến Độ và mẹ chồng rất cay cú và điên tiết. Bởi vậy mà từ ngày cô chuyển ra ngoài là từng ấy ngày không được yên thân với sự làm phiền của Độ. Thủ tục li hôn chưa thể làm xong trong một chốc một lát, trên pháp luật 2 người vẫn là vợ chồng, Độ vẫn có quyền với con như bình thường nên anh ta luôn lợi dụng điều đó để quấy rối cô.

Nhiều lần anh ta đến lúc 11,12 giờ đêm với lý do hôm sau phải đi công tác xa, nhớ con nên tranh thủ đến thăm, nằng nặc đòi đưa con về mặc dù con đã ngủ say. Mở cửa cho vào nhà thì chỉ thấy anh ta cà khịa cãi nhau với Mỹ chứ nào có hỏi han gì đến con. Khi cô không mở cửa tiếp nữa thì Độ cáu tiết la lối ầm ĩ khiến hàng xóm cũng thấy phiền phức. Có người chạy đến nói thì Độ phân trần: “Tôi thương con, nhớ con mới đến thăm mà cô ấy cản trở, nhẫn tâm tước quyền làm cha nên tôi mới lớn tiếng!”.

Trước đây, nửa đêm con sốt cao, bảo Độ chở con đi bệnh viện, anh ta còn bảo: “Để sáng!” rồi lăn ra ngủ tiếp thì thử hỏi anh ta yêu con được bao nhiêu? Những ai không hiểu sự tình lại bày tỏ lòng thương cảm với Độ, khen anh là người cha yêu con hết lòng khiến Mỹ nóng mặt, chỉ muốn hét to lên vạch trần cái bộ mặt giả dối của anh ta mà thôi.

Mỹ suy nghĩ rất nhiều, cứ để tình trạng này mãi thì không ổn cho cả cô và con gái. Hơn nữa, không thống nhất được trước, đến lúc tòa xử, Độ quyết tâm giành quyền nuôi con với cô thì còn lằng nhằng và mệt mỏi hơn, có khả năng cô sẽ thua mất. Cuối cùng cô đã có một quyết định – tuy đau đớn và đòi hỏi phải hy sinh, nhưng có thể tránh những phiền phức dai dẳng hiện tại.

Lần kế tiếp Độ tới lớn tiếng đòi giành con về, Mỹ đồng ý ngay lập tức. Không những thế, cô còn đón tiếp xởi lởi và sắp xếp quần áo, đồ chơi của con đưa anh mang về: “Sắp tới em đi công tác, anh với bà nội chăm sóc con giùm em nhé!”. Nói rồi Mỹ cũng xếp vali của mình, khóa cửa phòng trọ nhưng thực ra là đến nhà cô bạn thân để tránh mặt Độ.

Mới nửa tháng sau, Độ đã ráo riết gọi hỏi Mỹ công tác về chưa. Mỹ biết thừa anh ta "bấn" lắm rồi. Trước đây, cô đảm nhiệm hết việc nhà và chăm con, Độ lẫn ông bà nội có phải nhấc tay làm gì đâu. Giờ Độ đưa bé về, bà nội chăm cháu oải quá thì bắt Độ trông: “Con mày thì mày phải trông!” khiến Độ hết cả hơi lại chẳng được tự do tung tẩy như trước nên chán ngán vô cùng.

Mặc kệ Độ giục giã suốt ngày, Mỹ để đến khi Độ hết sức chịu đựng mới đến đón con về, đồng thời bảo anh ta kí vào thỏa thuận nhường quyền nuôi con cho Mỹ. Độ đồng ý ngay chẳng suy nghĩ. Vậy là khi ra tòa, Mỹ đã được quyền nuôi con nhanh gọn mà chẳng vấp phải tranh chấp gì.
Không thể chịu nổi người chồng tuy giỏi giang, thành đạt nhưng lăng nhăng, vô trách nhiệm và bà mẹ chồng trong mắt chỉ có con trai là nhất, chị Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) quyết định li dị. Chị độc lập về kinh tế và cũng không sợ điều tiếng khi chia tay nhưng điều khiến chị băn khoăn là làm sao để có thể giành được quyền nuôi cả 2 con (bé lớn 8 tuổi và bé út 4 tuổi)?

Anh Công - chồng chị tuyên bố sẽ đòi quyền nuôi bé lớn. Chị biết hiếm có ông chồng nào ly dị vợ mà chăm con chu đáo nên không muốn con rơi vào tay bố. Mà anh Công thì đang cay cú vì bị vợ “đá”, dù chị có nhẹ nhàng thuyết phục kiểu gì anh cũng nhất quyết không nghe.

Sau một đêm suy nghĩ, chị cắn răng ra một quyết định. Hôm sau, chị làm đơn xin nghỉ việc, xách đồ ra khỏi nhà, để lại 2 con cho anh kèm lời nhắn nhủ: “Em là phụ nữ, li dị xong còn phải đi hẹn hò, lấy chồng khác nữa, mang theo con sẽ nặng gánh lắm nên em nhường quyền nuôi cả 2 con cho anh đấy!”.

Bình thường anh Công luôn phó mặc hết chuyện chăm sóc con cho vợ. Sáng anh đi làm từ sớm, tối mịt mùng mới về, ngày nghỉ cũng tít mít không thấy mặt đâu. Lần nào phải đưa đón bé lớn đi học, anh hậm hực ra mặt vì còn muốn đi nhậu nhẹt, chơi bời tự do. Con cái đối với anh có lẽ chỉ để chứng minh anh ta không… vô sinh mà thôi. Nếu anh ta mà yêu con thì chẳng đến nỗi chị Linh phải nhất quyết li hôn, có tủi thân, ấm ức gì chị cũng sẽ ráng chịu vì con.
Chưa đầy tháng sau, cả anh và mẹ chồng đều hối hả gọi chị về đón bé út đem theo, còn để đứa lớn lại cũng được. Chị thản nhiên: “Tôi không có ý định đem theo đứa nào cả. Giờ tôi đang thất nghiệp, không thu nhập, không chỗ ở, có ra tòa thì tòa cũng xử cho anh nuôi cả 2 đứa thôi! Tôi chuẩn bị theo người yêu đại gia mới vào TP HCM rồi, chẳng cần đi làm vẫn có người nuôi nên không có điều kiện nuôi con đâu”.

Anh Công đến điều tra ở công ty cũ của vợ thấy đúng là vợ mình đã thôi việc thật, cũng hơi hốt hoảng, sợ vợ bỏ hết con lại cho mình thì nguy.

Lại một tháng nữa trôi qua, nhà anh Công loạn cào cào cả lên vì 2 đứa trẻ. Một người mẹ yêu thương chúng hết mực, chăm sóc cho chúng còn có lúc hết hơi và đau đầu, huống chi là một người bố vô trách nhiệm, một người bà ghê gớm và chưa động tay chăm cháu bao giờ.

Đợi đến lúc ấy, chị Linh mới đưa ra tối hậu thư: “Một là anh viết thỏa thuận nhường quyền nuôi cả 2 con cho tôi, 2 là anh cứ tiếp tục chăm cả 2 bé nhé!”.

Anh Công lúc này đã sợ mất mật, không thèm tranh giành con cái gì nữa, chẳng được ích lợi gì mà còn như rước cục nợ vào người. Có được thỏa thuận nuôi con trong tay, với năng lực vốn có của mình, chị Linh nhanh chóng xin được công việc mới để có thu nhập và chuẩn bị xây dựng cuộc sống mới cho 3 mẹ con.