KINH DOANH:VẤN ĐỀ VỐN, CHIA LÃI THÀNH VIÊN C.TY NÊN LÀM RÕ

KINH DOANH:VẤN ĐỀ VỐN, CHIA LÃI THÀNH VIÊN C.TY NÊN LÀM RÕ
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh – Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
  • Thành viên cty TNHH 2 thành viên nên thỏa thuận thêm về vốn, chia lãi
    Thành viên cty TNHH 2 thành viên nên thỏa thuận thêm về vốn, chia lãi
          Điều lệ mẫu Công ty TNHH hai thành viên trở lên bỏ trống một số nội dung để thành viên làm rõ. Chúng tôi đã đề cập đến nội dung cần làm rõ liên quan đến thành viên công ty. Bài viết này nói về nội dung liên quan đến vốn và phân chia lợi nhuận cần làm rõ trong điều lệ.
1.Nội dung mua lại phần vốn góp:
         Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu không tán thành các quyết định của Hội đồng thành viên về các vấn đề:
- Sửa đổi, bổ sung nội dung  điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
-Tổ chức lại công ty;
-Các trường hợp khác do Hội đồng thành viên quy định thêm.
         Hội đồng thành viên nên xác định các trường hợp khác là gì, vài ví dụ:
- Sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty ( không liên quan tới quyền, nghĩa vụ thành viên và Hội đồng thành viên trên ), ví dụ thêm ngành nghề kinh doanh, tăng quyền của giám đốc công ty, thay đổi cách chia lợi nhuận, trích quỹ…
- Thay đổi định hướng phát triển công ty;
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Thông qua báo cáo tài chính hằng năm.
         Công ty không nên thêm các trường hợp ngoài trường hợp Hội đồng Thành viên có thể ra quyết định để tránh tranh chấp có thể.
2.Nội dung tổng kết toán:
          Điều lệ mẫu ghi: Cuối mỗi năm tài chính, Công ty sẽ lập bản báo cáo tài chính để trình cho các thành viên xem xét ít nhất là…ngày trước phiên họp toàn thể hàng năm. Thành viên nên xác định số ngày này, nên là 07, 10 hoặc 15 ngày.
3.Nội dung quyết toán và phân chia lợi nhuận:
-Về các loại quỹ:
          Điều lệ mẫu ghi: Hàng năm sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, lập quỹ dự trữ bắt buộc và thanh toán tất cả các khoản nợ đến hẹn phải trả, lợi nhuận sẽ được phân bổ như sau:
+ Quỹ dự trữ bắt buộc: %
+ Quỹ phúc lợi tập thể: %
+ Quỹ phát triển sản xuất kinh doanh: %
+  Quỹ khen thưởng: %
         Các quỹ khác sẽ do Hội đồng thành viên quyết định tuỳ thuộc vào tình hình kinh doanh và phù hợp với các quy định của pháp luật.
         Thành viên nên xác định một con số phù hợp với chính sách tài chính từng thời kỳ của công ty. Khi chính sách tài chính thay đổi, công ty cũng nên thay đổi điều lệ ở nội dung tỷ lệ các loại quỹ này.
-Về phân phối lợi nhuận và chịu lỗ:
          Liên quan tới nội dung này, Luật Doanh nghiệp xác định: Sau khi đã trích lập các quỹ và thanh toán các khoản nợ đến hẹn phải trả, Hội đồng Thành viên sẽ quyết định việc phân chia lợi nhuận cho các thành viên theo tỷ lệ vốn góp. Các khoản lỗ trong kinh doanh cũng sẽ được chia sẻ cho các thành viên theo tỷ lệ vốn góp.
         Đây là quy định chung của Luật Doanh nghiệp. Thực tế, thành viên không nhất thiết bắt thành viên khác phải chịu lỗ. Ví dụ: Tại một công ty, hai thành viên bỏ vốn, giả định là 51% và 49%. Nhưng, để lôi kéo một chuyên gia kỹ thuật làm thành viên, họ quyết định nhường cho chuyên gia này một tỷ lệ là 15%.               Như vậy, cơ cấu vốn ghi trong điều lệ là 43,35% - 41,65% - 15%. Tuy nhiên, do thực tế chuyên gia không góp vốn và hai người bỏ vốn không muốn chuyên gia gánh nợ ( vì chuyên gia chỉ cố vấn kỹ thuật không tham gia kinh doanh ) nên hai người bỏ vốn chính hoàn toàn có thể ghi trong điều lệ nội dung thỏa thuận kiểu này: Trong trường hợp kinh doanh bị lỗ, hai thành viên ( giả sử A và B ) sẽ chia sẻ các khoản lỗ theo tỷ lệ 51% và 49% tính trên tổng vốn điều lệ và loại trừ việc chia sẻ lỗ cho C ( chuyên gia kỹ thuật ).
         Trên đây là một số hướng dẫn có tính tham khảo của chúng tôi. Hướng dẫn xuất phát từ kinh nghiệm tư vấn doanh nghiệp của chúng tôi và đồng nghiệp. Mong các Bạn đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.