KINH DOANH-THƯƠNG MẠI: CÁCH THỨC BIẾT ĐỊA CHỈ BỊ ĐƠN ĐỂ KIỆN

KINH DOANH-THƯƠNG MẠI: CÁCH THỨC BIẾT ĐỊA CHỈ BỊ ĐƠN ĐỂ KIỆN
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Có cách tìm kiếm địa chỉ trụ sở đối phương khi họ đi
    Có cách tìm kiếm địa chỉ trụ sở đối phương khi họ đi
Tự do kinh doanh mở rộng. Bạn và nhiều đối thủ cạnh tranh làm giàu. Bạn có khách hàng. Bạn chốt đơn. Bạn nhẹ nhõm. Đúng là chiến công mà nếu lặp đi lặp lại, sẽ có đại gia mới xuất hiện. Rồi bạn hào hứng chuyển hàng cho khách. Bạn chờ điện thoại rung lên báo tiền về. Có điều, do tin nhắn bạn chờ đến lâu quá, bạn yêu cầu cô kế toán đến tận trụ sở khách hàng đòi tiền. Sau đó, cô kế toán quay về báo cho bạn: Khách hàng biến đâu đó, trụ sở trước đây có kẻ khác trám vào.
Thời buổi mạng xã hội bùng nổ. Giao dịch thực hiện quá dễ. Người ta chỉ cần ở nhà, click chuột là mọi thứ được mang đến. Tuy vậy, đây cũng là môi trường lý tưởng cho sự bội tín. Công an Hà Nội vừa bắt một nhóm bán khẩu trang cho khách hàng ở Mỹ. Người bên Mỹ gửi tiền, nhưng hàng không đến nơi. Họ tố cáo bên Mỹ và công an Việt Nam vào cuộc.
Nếu là người bán hàng, đã giao hàng nhưng tiền không về, hẳn là bạn phải nhờ pháp luật can thiệp. Theo luật định, hồ sơ bạn nộp tòa gồm: Đơn khởi kiện; hợp đồng thương mại; chứng cứ về việc chưa thanh toán ( văn bản yêu cầu thanh toán, chốt nợ chẳng hạn ); chứng minh địa chỉ trụ sở của bị đơn. Việc chứng minh địa chỉ trụ sở tưởng dễ mà khó. Bạn chứng minh bằng cách lên mạng tìm thông tin doanh nghiệp định kiện. Sau đó, bạn kiện họ ra tòa án quận, huyện họ đặt trụ sở. Vấn đề là họ không còn ở đó. Tòa án gửi giấy báo theo địa chỉ trong đơn khởi kiện không thấy hồi âm. Việc không xác định được bị đơn ở đâu có thể dẫn đến vụ án bị tạm đình chỉ, không biết bao giờ thì bạn có án giấy, chưa nói tiền về.
Như vậy, việc xác định địa chỉ trụ sở doanh nghiệp đối tác là rất quan trọng. Bạn nên đảm bảo biết chỗ để có thể kiện. Bạn cũng phải đảm bảo giấy báo của tòa đến tay người có trách nhiệm của doanh nghiệp. Một số chia sẻ để việc xác định trụ sở khi làm đơn ra tòa dưới đây có thể hữu ích cho người có việc về kinh tế, thương mại phải ra tòa:
1.Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin về doanh nghiệp. Tra cứu thông tin trên website Sở Kế hoạch Đầu tư để biết địa chỉ trụ sở doanh nghiệp ở đâu.
2.Yêu cầu đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cung cấp thông tin như số điện thoại liên lạc, địa chỉ nhà riêng, phô tô có công chứng chứng minh nhân dân, hộ chiếu… Giao dịch nên lập thành hợp đồng, việc chuyển hàng nên có văn bản giao nhận, kiểm định...
3.Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin mỗi khi biến động như có thay đổi địa chỉ trụ sở, chi nhánh hay văn phòng đại diện nơi đã ký hợp đồng, người đại diện theo pháp luật, người được phân công theo dõi, thực hiện hợp đồng ( nếu có )…
4.Định kỳ theo dõi thông tin trên website Sở Kế hoạch Đầu tư để nắm được biến động của doanh nghiệp.
5.Khi chưa rõ đối phương chuyển trụ sở đi đâu, cứ tiến hành khởi kiện theo địa chỉ trụ sở cũ và tiếp tục đi tìm. Cung cấp cho tòa số điện thoại của người có trách nhiệm phía đối phương.