KINH DOANH: CÁCH TRÁNH RẮC RỐI KHI XÂY CÔNG TRÌNH
KINH DOANH: CÁCH TRÁNH RẮC RỐI KHI XÂY CÔNG TRÌNH
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
-
Khi một doanh nghiệp nhỏ nhận thầu lại thì luôn có thể bị bắt nạt
Các công ty, doanh nghiệp “ thầu lại “ như vậy thường phải đặt bút kí vào một hợp đồng soạn sẵn mà kẻ “ bán thầu “ chuẩn bị. Các rủi ro mà bên “ thầu lại “ có thể gánh: Có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào vì một nguyên nhân nhỏ; bị trừ tiền công vì kẻ “ bán thầu “ cho rằng không đảm bảo chất lượng; không được thanh toán các chi phí thực tế đã bỏ ra vì không thể quyết toán; bị phạt hợp đồng vô tội vạ… Ngại nhất là trò hủy hợp đồng. Việc thì ít, người làm thì nhiều. Kẻ “ bán thầu “ có một loạt công ty, doanh nghiệp thay thế. Đuổi doanh nghiệp A để công ty B vào làm nốt phần việc, kẻ “ bán thầu “ có thể quịt cả đống tiền.
Để được “ thầu lại “, một doanh nghiệp phải tự bỏ tiền ra để làm công trình, sau đó đợi khi hoàn thành phần việc mới được thanh toán. Mà để có tiền làm công trình, doanh nghiệp lại phải đi vay ngân hàng. Ngân hàng chỉ cho vay ki có tài sản thế chấp. Vậy là doanh nghiệp “ thầu lại “ lại phải mang Sổ Đỏ đặt ngân hàng. Nếu không được kẻ “ bán thầu “ thanh toán sòng phẳng, doanh nghiệp “ thầu lại “ đối mặt với nguy cơ mất nhà.
Nguyên nhân của các rủi ro mà bên “ thầu lại “ có thể gánh phần nào bắt nguồn từ hợp đồng mà họ đã ký. Hợp đồng do kẻ “ bán thầu “ soạn sẵn, được nói là theo mẫu chung. Các điều khoản của hợp đồng cho phép kẻ “ bán thầu “ đủ loại quyền: Quyền kiểm soát chất lượng, quyền giám sát nhân công, quyền yêu cầu dừng thi công, quyền bớt xén tiền… Bên “ thầu lại “, hoặc để có việc mà làm, hoặc câu chữ hợp đồng dài dòng khó hiểu, thường chỉ biết nhắm mắt ký hợp đồng. Và như vậy, kẻ “ bán thầu “ nghiễm nhiên nắm được chuôi dao trong tay.
Cách tránh rủi ro của bên “ thầu lại “, nhìn chung mà nói, nên bắt đầu từ hợp đồng và sau đó là việc thực hiện hợp đồng. Với hợp đồng thì nên đọc, hiểu, đưa ra điều mình muốn, đàm phán và ký. Ít ra, thuyết phục được ông lớn thêm điều nọ, bớt khoản kia, bổ sung văn bản khác luôn khiến đối phương dè chừng, nghĩ lại lần nữa nếu muốn đổi ý. Khi đặt bút kí, nên thực hiện đúng cam kết và chốt bằng văn bản, dạng như biên bản nghiệm thu, văn bản xác nhận vấn đề phát sinh, báo cáo xử lý vấn đề phát sinh .v.v…Rồi ghi hình, chụp ảnh mỗi hạng mục hoàn thành.
Một số chia sẻ để các công ty, doanh nghiệp “ thầu lại “ hạn chế rủi ro và giành được thắng lợi tại tòa nếu kẻ “ bán thầu “ bội tín.
1/Hiểu kĩ các điều khoản hợp đồng trước khi kí. Nên tham khảo ý kiến luật sư.
2/Khi thực hiện hợp đồng, chứng cứ hóa mỗi khi hoàn thành một hạng mục, bằng các biên bản xác nhận khối lượng hoàn thành có chữ ký bên đối phương. Chụp, ghi hình, in ra, ghi chú khi hoàn thành hạng mục. Lưu giữ hóa đơn, chứng từ về các khoản đã chi.
3/Các bên nên lập một văn bản xác nhận địa chỉ trụ sở, nơi được dùng để giải quyết tranh chấp. Văn bản có dấu, chữ kí đại diện theo pháp luật mỗi bên.
4/Bỏ ra một khoản tiền, gửi vào một tài khoản cố định. Khoản tiền này sẽ được dùng để chi phí nếu cần giải quyết tranh chấp.
5/Khi thuê nhân công bên ngoài, nên có hợp đồng lao động, sổ lương lưu tên tuổi, địa chỉ, căn cước công dân, biên nhận nhận tiền .v.v…
6/Khi mâu thuẫn phát sinh, chứng cứ hóa bằng văn bản ghi nhận mâu thuẫn: Công văn, biên bản họp, văn bản giải trình .v.v…Tham khảo luật sư về những điều cần làm khi mâu thuẫn phát sinh.
Share :